1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giỏi tổng quát, thiếu kỹ năng

(Dân trí) - “Các trường đại học Việt Nam có rất nhiều giảng viên giỏi trong lĩnh vực can thiệp sớm nhưng lại thiếu chuyên gia giỏi kỹ năng phụ trợ như hỗ trợ trẻ giao tiếp, phát triển ngôn ngữ…”

Đó là nhận định của bà Kim Sanders, chuyên gia của tổ chức VSO về phát triển giao tiếp và ngôn ngữ. Đối tượng nghiên cứu và hỗ trợ của bà tại Việt Nam là trẻ mắc bệnh Down, trẻ khó khăn trong giao tiếp và trẻ tự kỷ.

Tại buổi tọa đàm “Quản lý giao tiếp và hành vi” do Nhóm hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật ở TPHCM (liên hợp các tổ chức DRD, VSO, Saigon Children’s Charity, Nhà may mắn, Loreto, Mekong Plus) tổ chức tại hội quán Đời Rất Đẹp (quận 10, TPHCM) ngày 4/3, bà Kim Sanders đã làm một thử nghiệm nhỏ.

Giỏi tổng quát, thiếu kỹ năng - 1
Bà Kim Sanders đang trao đổi cùng các chuyên gia nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại buổi tọa đàm (áo đen, đứng)

Bà yêu cầu các đại biểu tham dự tọa đàm (là những chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt) chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 3 người, trong đó 1 người đóng vai 1 đứa trẻ 4 tuổi không biết nói, 1 người đóng vai phụ huynh và 1 người đóng vai người quan sát.

Người đóng vai trẻ sẽ cố diễn đạt ý của mình bằng cử chỉ và hai người còn lại sẽ cố hiểu xem trẻ muốn gì. Sau khi hoàn tất xong một vai thì tổ ba người lại đổi vai cho nhau.

Thử nghiệm nhỏ ở 10 tổ trên cho thấy: 80% người đóng vai trẻ đều rất khó chịu, bực bội, buồn chán vì mình đã cố hết sức diễn đạt mà phụ huynh không hề hiểu mình muốn gì.

Chị Ngọc, một thành viên tham gia thử nghiệm cho biết: “Cảm giác ngột ngạt lắm. Rất khó khăn khi phải sử dụng cử chỉ để thay thế lời nói. Nếu những đứa trẻ chưa từng va chạm nhiều trong xã hội thì cảm giác này có lẽ còn khó khăn hơn…”.

Bà Kim Sanders nhận xét: “Trẻ không biết nói thường rất khó chịu khi giao tiếp vì người xung quanh hiểu sai ý của trẻ. Vì vậy, trẻ thường phản ứng bằng hành động hờn dỗi, bướng bĩnh… Khi đó, chúng ta lại nói trẻ hư. Thực ra, khi đó phụ huynh nên nghĩ trẻ có vấn đề về giao tiếp và kiên nhẫn tìm hiểu cách giải quyết. Việc giải quyết này cũng cần có kỹ năng”.

Bà còn cho biết thêm: “Đối với những trẻ khó khăn trong giao tiếp (trong đó có trẻ bị bệnh down và trẻ tự kỷ) thì điều quan trọng nhất để giúp trẻ hòa nhập xã hội là phải dạy cho trẻ học nói. Muốn vậy, phải hướng dẫn trẻ cách giao tiếp với mọi người xung quanh, đầu tiên là bằng ngôn ngữ cử chỉ. Đây là một kỹ năng quan trọng mà giáo viên cần nắm bắt”.

Tuy nhiên, theo bà Kim Sanders thì các kỹ năng quan trọng này chưa được dạy chính thức trong nhà trường ở Việt Nam. Theo bà, những kỹ năng này rất cần thiết, vì kiến thức can thiệp sớm giúp chúng ta hiểu được đứa trẻ đang gặp vấn đề gì nhưng để giải quyết vấn đề đó của trẻ cũng cần có những kỹ năng chuyên môn.

Tùng Nguyên