1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giới khoa học tìm cách cứu phố cổ Hà Nội

Phổ cổ Hà Nội cần có dự án bảo tồn tổng thể, trong đó huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng. Đó là ý kiến của ông Jean-Luc Moudence, Thị trưởng thành phố Toulouse (Cộng hoà Pháp) tại Hội thảo tôn tạo phố cổ ở châu Á và châu Âu sáng 30/11.

Ông Jean-Luc Moudence cho biết, từ 30 năm qua, thành phố Toulouse đã được bảo tồn. Do có kế hoạch nên chính quyền đã tránh được những khó khăn như di tích bị phá huỷ, người dân phải di dời... "Để bảo tồn tốt, chúng ta cần có chính sách vừa duy trì cuộc sống người dân vừa không để khu phố biến thành bảo tàng hay chuỗi văn phòng", ông Thị trưởng nhận xét.

 

Theo đánh giá của Ban quản lý phổ cổ, khu vực được bảo tồn hiện nay có hơn 4.000 hộ dân sinh sống. Hầu khắp các tuyến phố đều vừa là nhà ở, vừa kinh doanh đa dạng mặt hàng. Phần lớn những ngôi nhà cổ ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng, môi trường sống không được cải thiện. Mặc dù vậy, phần lớn họ chấp nhận sinh sống tại đây, với mong muốn cải tạo nhà. Theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, người dân Hà Nội yêu phố cổ, yêu hồ Hoàn Kiếm, họ có tính cộng đồng sâu đậm nên không dễ dời khu phố thân quen. Ngoài ra, vì cuộc sống nên họ phải bám mặt đường để kinh doanh.

 

Với kinh nghiệm của người làm công tác bảo tồn, ông Phùng Phu, gợi ý, nên lựa chọn từng ô phố đặc trưng, vì khó có thể tôn tạo toàn bộ khu phố cổ. Ở nhiều nước khác, các phố mua bán, văn phòng... được bố trí riêng biệt, chứ không để xen kẽ như ở nước ta. "Hà Nội cần tạo nét độc đáo, riêng có thì mới mong được trở thành di sản. Thị xã Hội An rất nhỏ bé song có nhiều nét văn hoá riêng biệt nên được công nhận là di sản thế giới", ông Phu nhận xét.

 

Nỗi lo lắng của các nhà bảo tồn đang nhân lên bởi bộ mặt phố cổ đang thay đổi từng ngày. Thanh tra xây dựng thành phố cho biết, khoảng 90% nhà mới xây dựng, cải tạo sai phép với nhiều hành vi. Chỉ được xây dưới 3 tầng song nhiều ngôi nhà chồng tới 5-6 tầng. Ngoài ra, gia chủ còn tự ý thay đổi kết cấu, vật liệu xây dựng như lẽ ra phải lợp mái ngói thì chủ nhà lại đổ mái bằng, mái tôn; yêu cầu cửa và lan can bằng gỗ thì chủ nhà lại thay bằng cửa khung nhôm kính...

 

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc nhận xét, người dân phố cổ phải nhận thức được trách nhiệm bảo tồn giá trị của các ngôi nhà cổ, mới mong cải thiện được tình hình. Bởi tình trạng nhà xây cao tầng khá lộn xộn trong khi chính quyền dung túng đang làm phá huỷ khu di tích. "Nếu để tình trạng này thì phố cổ Hà Nội không thể đạt tiêu chuẩn trở thành di sản văn hoá thế giới", ông Phúc nhận định.

 

Nhiều đại biểu khác đều chung nhận định, cần tuyên truyền để người dân hiểu những nguồn lợi nếu phố cổ Hà Nội trở thành di sản văn hoá thế giới. Người dân cần được nêu lên những ý kiến, thắc mắc của họ về việc bảo tồn khu phố trong các cuộc họp.

 

Bà Gisèle Teulières, Chủ nhiệm dự án Hà Nội 2010, cho biết, Hà Nội đang kết hợp với các thành phố Bruxell (Bỉ), Toulouse (Pháp) để thực hiện dự án cải tạo ô phố Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Hàng Bạc - Mã Mây và xử lý không gian phố Tạ Hiện, bảo tồn một số ngôi nhà cổ.

 

Thời gian qua, thành phố Hà Nội mới chỉ tu sửa được 3 ngôi nhà cổ là 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào và 51 Hàng Bạc. 

 

Theo Ban quản lý phố cổ, khu vực đang được bảo tồn có 4.340 số nhà. Mỗi số nhà diện tích trung bình 92 m2 có tới 3-4 gia đình sinh sống, do vậy diện tích ở chỉ đạt 0,5-1,8 m2/người. Tình trạng sống chật chội như vậy buộc hơn 15.000 người dân khu vực này tận dụng hết diện tích sân, vườn nhà cổ làm bếp, chỗ chứa đồ đạc.

 

Điều tra ý kiến người dân về nhu cầu nhà ở của ban quản lý

 

- 36% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng nhà

- 39% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và sửa chữa cải tạo.

- 8,2% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và mở rộng thêm diện tích.

- 8,3% số hộ muốn giữ nguyên hiện trạng và mở rộng diện tích nơi khác.

- 6,7% số hộ muốn thay đổi nơi ở mới.

 

Theo Đoàn Loan
VnExpress