1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hai thủy thủ Việt Nam tự nhảy xuống biển Chile bỏ trốn:

“Giờ tôi chỉ mong gặp mặt con”

(Dân trí) - Tuần qua, dư luận hết sức quan tâm đến thông tin hai thuyền viên Việt Nam trốn chạy khỏi sự ngược đãi của chủ tàu bằng cách <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/117850.vip">nhảy xuống biển Chile.</a> Đối với người thân của hai thuyền viên ấy, câu chuyện nhảy biển này đã khiến họ nhiều đêm thức trắng, từng ngày mong ngóng tin con.

Chúng tôi tìm về xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh để gặp gia đình của hai thuyền viên Trần Anh Sơn và Lê Đình Lâm. Dù Thạch Bằng vẫn đang rợp cờ hoa cho một ngày lễ Thiên chúa giáo nhưng không khó để nhận ra sự nghèo khó của vùng quê này.

 

Hỏi thăm gia đình anh Trần Anh Sơn, chúng tôi được chỉ ngay đến gia đình ông bà Trần Thanh Huệ - Trần Thị Sử. Thông tin anh Sơn con của ông bà nhảy biển bỏ trốn đang là vấn đề nóng ở địa phương. Họ càng cảm thương hơn khi nghe tin hai thuyền viên ấy nhảy biển do bị chủ tàu đối xử tệ bạc.

 

Anh Sơn là con trai trưởng của ông bà Huệ, trong một gia đình có 4 anh chị em. Cả gia đình 6 miệng ăn ấy trông chờ vào nghề đi biển của ông Huệ. Ông Huệ không còn trẻ (SN 1954), mà làm ăn mãi vẫn thấy nợ nần chồng chất, nên ông động viên anh Sơn đi xuất khẩu lao động.

 

Trong ngôi nhà gỗ thấp lè tè, lụp xụp, ông Huệ kể: Để có tiền cho anh Sơn sang Đài Loan, ông bà đã phải bán đi chiếc thuyền đánh cá duy nhất của gia đình và vay thêm tiền của anh em hàng xóm, với tổng chi phí khoảng 18 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng số tiền lãi mà ông bà phải trả lên gần 400.000 đồng.

 

Ngày 21/10/2005, anh Sơn xuất ngoại đi làm nghề đánh cá cho tàu Thụy Ích Hưng của Đài Loan theo hợp đồng lao động ký với Công ty xuất khẩu lao động và dịch vụ thương mại (TLC) thuộc Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam (VinaMotor). Nhà môi giới là Công ty TNHH quốc tế Cảnh Hoành.

 

 

“Giờ tôi chỉ mong gặp mặt con” - 1
 

Sơn (đội mũ) chụp ảnh với bạn bè

ở Hà Nội trước lúc sang Đài Loan.

Theo hợp đồng ký kết, mức lương hàng tháng mà anh Sơn nhận được sẽ là 160 USD/tháng, trong đó phát trên tàu 20 USD, gửi về Việt Nam 140 USD. Với mức lương ấy và thời gian làm việc kéo dài đến 3 năm, gia đình ông Huệ hy vọng cuộc sống gia đình họ sẽ bớt khó khăn, hai đứa con nhỏ sẽ có đủ tiền ăn học.

 

Đã 7 tháng trôi qua, gia đình ông Huệ không nhận được một thông tin gì từ con trai. Và tin đầu tiên mà họ nhận được kể từ ngày con đi xa là Sơn nhảy tàu và được cứu sống trên biển Chile.

 

“Vợ chồng tui như rụng rời chân tay khi biết chuyện con mình lênh đênh giữa biển xứ người. Nếu không có quân đội họ tốt, nếu không gặp may thì bây giờ nó chắc đã đi theo biển rồi” - ông Huệ xót xa.

 

Tin dữ đến bất ngờ, ông bà thẫn thờ như người mất hồn. Bà Sử ngồi đây, nhưng lòng bà đang để nơi người con ở xứ người xa xôi. Bà lấy tấm hình của Sơn chụp ở Hà Nội trước lúc đi mà than thở: “Ở nhà cháu là đứa rất ngoan, hiền khô chú ạ. Từ nhỏ đến lúc đi làm ở nước ngoài chưa có khi mô nó trêu chọc một ai. Chắc vì sức nó yếu nên người ta đánh nó thôi. May mà nó còn sống. Tui giờ không cần chi, chỉ mong được thấy cháu mà thôi”.

 

Ngoài chuyện lo lắng cho tính mạng người con, hẳn bà Sử còn đang rối lòng về khoản nợ không nhỏ gia đình đã phải chi trả cho chuyến đi này của con. Rồi lại băn khoăn, liệu việc hai anh Sơn và Lâm bỏ trốn và trở về lần này, có cơ quan chức năng nào chịu đứng ra chịu trách nhiệm, đỡ nỗi lo cho người lao động?

 

Rời Thạch Bằng, tôi mới được hay tin, hai anh Lâm và Sơn đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt. Chủ tàu Thụy Ích Hưng cũng đã đồng ý chi trả toàn bộ chi phí điều trị, ăn ở và vé máy bay cho 2 anh về Việt Nam. Tôi tiếc mình không biết tin này sớm hơn để báo cho ông bà Huệ - Sử. Cũng là giúp họ phần nào giảm gánh lo âu.

  

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm