1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu"

Nguyễn Duy

(Dân trí) - "Trưởng bản Vân là một cán bộ mẫu mực từ cách nói, cách làm đến cách thể hiện, là trung tâm của đoàn kết bản làng. Giờ ông Vân có muốn nghỉ làm cán bộ chắc dân bản cũng không cho đâu".

Người trưởng bản "đầu tàu" tận hiến vì dân

Mấy năm gần đây, bản Minh Tiến đã thực sự "thay da, đổi thịt". Thay đổi từ tư duy người dân đến bộ mặt xóm làng. Có được thành tích đó là nhờ sự đồng lòng của người dân và đặc biệt, phải kể đến "đầu tàu" Lô Xuân Vân - Trưởng bản được bàn con tin yêu.

Minh Tiến, thuộc xã Châu Hạnh của huyện nghèo vùng cao Quỳ Châu (Nghệ An). Minh Tiến có 158 hộ dân với gần 700 nhân khẩu; trong đó chiếm hơn 97% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống từ lâu đời.

Theo các bậc cao niên, bản Minh Tiến xưa kia vốn nghèo đói. Cuộc sống của bà con nơi đây sống chủ yếu dựa vào rừng núi, với tập quán canh tác theo lối tự cung, tự cấp, cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn…

Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu - 1

Đường giao thông của bản thoáng đãng, sạch sẽ.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng các cấp chính quyền, Minh Tiến dần được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh. 

Ông Vân nhớ lại, Minh Tiến là bản nghèo khó của xã nói riêng và của huyện nói chung. Khoảng hơn chục năm về trước, bà con chủ yếu vào rừng kiếm sống bằng hái măng, chặt gỗ, tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, từ khoảng những năm 2014 đến nay, Minh Tiến đã dần "thay da, đổi thịt".

Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu - 2

Trưởng bản Lô Xuân Vân giới thiệu về dụng cụ giã gạo gắn với nhạc cụ khắc luống nổi tiếng của người Thái.

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng khó khăn đối với hầu hết các địa phương, bởi ngoài những kinh phí thì công tác giải phóng mặt bằng là "bài toán" nan giải.

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Ban cán sự bản và Chi ủy bản đã họp, đi đến thống nhất lên phương án vận động người dân hiến đất. Với phương châm đi vận động từ nhà dễ đến nhà khó, bản Minh Tiến đã tổ chức vận động 17 hộ dân hiến đất ở với diện tích lên đến 5.700m2; riêng đất ruộng có 57 hộ hiến hơn 11.000m2.

"Được sự cho phép của cấp trên, cấp ủy và Ban cán sự bản họp trước để thống nhất phương án triển khai vận động người dân. Sau đó tiến hành họp để tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương lớn, quan trọng của Nhà nước, của xóm bản về xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đời sống của chính bà con dân bản. Lúc đầu, một số hộ dân tỏ ra khá "rụt rè" nhưng bằng sự vận động nhiệt tình, mềm dẻo, cách tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu" nên 100% người dân đều đồng ý hiến đất làm đường...", ông Vân kể.

Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu - 3

Các con ngõ cũng thường xuyên được quét dọn sạch sẽ.

Nhờ người dân đồng tình ủng hộ nên chỉ trong thời gian ngắn, bản Minh Tiến đã làm được 1,2km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Trong đó, 700m đường do Nhà nước hỗ trợ về máy múc, xe chở đất đắp đường. Còn lại bà con dân bản tự vận động, đóng góp ngày công để thực hiện.

Trưởng bản nói dân nghe, làm dân theo

Theo trưởng bản Minh Tiến, hiện tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 24 hộ. Trong bản, hiện nay cũng nổi lên những hộ gia đình làm kinh tế giỏi như hộ gia đình anh Hà Văn Đức chăn nuôi gần 300 con lợn nái khép kín; hay các hộ ông Nguyễn Quang Cường, Quán Vi Sinh… có mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập cao từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu - 4

Bản Minh Tiến nay đã "thay da, đổi thịt".

Hiện bản Minh Tiến có 14ha lúa nước để canh tác; 42ha rừng sản xuất để trồng keo; cả bản khoanh nuôi, bảo vệ hơn 600ha rừng tự nhiên, tái sinh, không còn nạn chặt phá rừng như nhiều năm về trước.

"Môi trường sinh thái rừng được phục hồi, độ che phủ được nâng cao, tạo môi trường sinh thái cân bằng, bền vững", ông Vân nói.

Minh Tiến cũng đã thành lập được tổ thu gom rác thải với 4 thành viên tham gia. Bà Quang Thị Điệp - Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ bản là người được giao làm Tổ trưởng tổ thu gom rác. Theo bà Điệp, bản chưa giàu có nhưng người dân rất có ý thức giữ gìn, vệ sinh môi trường.

Giờ ông Vân muốn nghỉ làm cán bộ dân bản cũng không cho đâu - 5

Thanh niên bản Minh Tiến sửa chữa, vệ sinh đường làng.

"Bà con trong bản tự họp và thống nhất mỗi hộ đóng 20.000 đồng/tháng để làm kinh phí cho tổ thu gom rác hoạt động. Mỗi tuần một lần, 4 thành viên thu gom rác đến điểm tập kết, bốc lên xe để chở vào bãi thải tập trung của huyện xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp cho bản làng", bà Điệp cho biết.

Ông Vi Thanh Bình, cựu chiến binh, nguyên Bí thư Chi bộ bản Minh Tiến chia sẻ: "Trong bản bà con rất đoàn kết, luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Riêng trưởng bản Vân là một cán bộ mẫu mực từ cách nói, cách làm đến cách thể hiện, là trung tâm của đoàn kết bản làng. Giờ ông Vân có muốn nghỉ làm cán bộ chắc dân bản cũng không cho đâu".

Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, cho biết, hiện nay toàn xã có 11 bản; trong đó Minh Tiến là bản được xã đặt niềm tin, kỳ vọng về đích nông thôn mới 2022.

"Đổi thay ở bản Minh Tiến nhanh chóng trong những năm gần đây, có được những bước tiến đó không thể không nhắc tới vai trò "đầu tàu" của trưởng bản Lô Xuân Vân. Ông Vân là vị trưởng bản nói dân nghe, làm dân theo", ông Long chia sẻ.