1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cà Mau:

"Giờ dùng một ca nước ngọt cũng phải suy nghĩ!"

(Dân trí) - “Giá nước đắt đỏ nhưng chưa chắc mua đã có nên dùng vào việc gì cũng phải suy nghĩ. Nhiều lần đi làm về, người bẩn, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm trước với nước mặn rồi mới dám tắm lại bằng... 1 ca nước ngọt”, ông Út kể về cuộc sống vùng hạn hán.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô năm 2015 - 2016 được xem là mùa khô khắc nghiệt nhất từ trước đến nay ở Cà Mau. Người dân nơi đây chưa bao giờ phải đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề như vậy. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy, đặt ra cho chính quyền địa phương và người dân nhiều vấn đề nan giải.

Hạn, mặn khắc nghiệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất lúa, tôm của người dân Cà Mau.
Hạn, mặn khắc nghiệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất lúa, tôm của người dân Cà Mau.

Hạn mặn kéo dài, lúa - tôm lao đao

Những năm trước đây, lúa - tôm được đánh giá là mô hình bền vững và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng chuyển dịch. Trung bình mỗi ha lúa - tôm người dân có thể thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, có hộ trúng mùa cả tôm và lúa có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay do thời tiết không thuận lợi, nguồn nước cạn kiệt nên nhiều diện tích lúa - tôm của người dân đã bị thiệt hại nặng nề, có hộ đành chấp nhận trắng tay sau nhiều lần xuống giống.

Chỉ tay vào khu đất từng được mệnh danh “con tôm ôm cây lúa”, ông Huỳnh Văn Nhuần (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) than vãn: "Gia đình tôi có một ha lúa - tôm, kể từ ngày triển khai thực hiện, vụ nào lúa gia đình tôi cũng trúng mùa, thấp nhất cũng từ 25- 27 giạ, trúng thì 30- 35 giạ/công. Còn con tôm thì trung bình hằng năm thu hoạch cũng được vài chục triệu, có khi lên đến hơn cả trăm triệu đồng, nhưng năm vừa rồi đành chịu trắng tay”.

Ông Đinh Tấn Định- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích lúa tôm của người dân trên địa bàn bị thiệt hại là hơn 13.000 ha. Bên cạnh diện tích lúa- tôm, các diện tích lúa mùa và lúa vụ 2 cũng bị ảnh hưởng nặng với hơn 3.700 ha.

“Nắng hạn kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến diện tích lúa- tôm, lúa mùa mà còn ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, vật nuôi, làm cho các kênh rạch trên địa bàn bị khô cạn, hàng trăm ha hoa màu có nguy cơ không đủ nước tưới, đang chết dần, chết mòn theo từng ngày. Đời sống của nhiều hộ dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi không có nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân trên khu vực lâm phần”, ông Định thở dài.

Hàng ngàn hộ dân ở Cà Mau đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Hàng ngàn hộ dân ở Cà Mau đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt

Hạn hán kỷ lục không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà đời sống của hàng ngàn hộ dân ở Cà Mau cũng lâm vào cảnh khó khăn trầm trọng, nhiều người phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua nước sinh hoạt.

Mặc dù sống dọc hai bên sông Trẹm nhưng hơn 1.400 hộ dân ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) lại thiếu nước sinh hoạt triền miên. Không ít người còn quen gọi nơi đây là “vùng đất khát”. Bởi từ bao đời nay, người dân xứ này chỉ tự chủ động được nước ngọt vào mùa mưa, đến mùa khô thì phải chạy vạy từng lít nước vì cả vùng không tìm đâu ra mạch nước ngầm có thể dùng được.

Người dân vùng sâu phải tận dụng mọi dụng cụ và đi đoạn đường khá xa để mua được nước sinh hoạt.
Người dân vùng sâu phải tận dụng mọi dụng cụ và đi đoạn đường khá xa để mua được nước sinh hoạt.

Người dân nơi đây cho biết, để chống chọi với cái khát, ngay trong mùa mưa người dân đã chủ động hứng nước mưa dự trữ. Song cũng chỉ đối phó được một, hai tháng. Sau Tết Nguyên đán không lâu, nhà nào cũng phải bỏ tiền ra mua nước. “Nếu ở nơi khác, người ta phân biệt giàu nghèo bằng nhà cửa, tiền bạc…, còn người dân quê tôi chỉ phân biệt giàu nghèo hơn nhau bởi cái lu chứa nước. Bởi nhà nào càng khá giả thì càng nhiều lu, nhà nào nghèo khó thì có ít lu”, ông Nguyễn Văn Hùng (73 tuổi, ngụ ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch) nói một cách hài hước.

Theo ông Hùng, với cái nắng như hiện tại nhưng lâu lâu ông mới dám tắm một lần vì sợ phải thiếu nước sinh hoạt. “Tắm thì còn nhịn được, chứ không có nước để nấu ăn, để uống thì làm sau chịu được”, ông Hùng xót xa.

Theo ghi nhận của phóng viên, trước tình trạng khô hạn kéo dài, người dân ở ven sông Trẹm đã “sinh” ra một nghề vừa “đẻ ra tiền” vừa giúp người dân bớt khát đó là nghề kinh doanh nước ngọt. Hằng ngày, người dân nơi đây phải ngày đêm thay phiên nhau canh ghe nước đi ngang qua để chặn lại hầu mong mua được lu nước về xài dù giá khá đắt đỏ.

Ông Trình Văn Út (ngụ ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch) cho biết, trung bình giá nước sinh hoạt ở đây từ 40- 50 ngàn đồng/khối. Nhà ông Tùng có 6 người, hàng tháng sử dụng hết sức tiết kiệm cũng hơn 10 khối, tức mỗi tháng gia đình ông phải tốn từ 400.000 đồng tiền nước sinh hoạt, đó là còn chưa nói tới tiền điện, cơm gạo…

“Giá nước đắt đỏ nhưng chưa chắc mua đã có, nên giờ dùng một ca nước trong việc gì cũng phải suy nghĩ. Nước đi mua cũng chỉ để nấu nồi nước, nồi cơm. Nhiều lần đi làm về, người bẩn, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm trước với nước mặn, sau đó lên xối qua loa một ca nước ngọt rồi đi ngủ”, ông Út kể với giọng chua chát.

Thiếu nước nên việc mua được nước ngọt không phải dễ và giá lại khá cao khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn thêm.
Thiếu nước nên việc mua được nước ngọt không phải dễ và giá lại khá cao khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn thêm.

"Hỏa tốc" triển khai các biện pháp "giải khát" cho dân

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải vừa có công văn hỏa tốc gửi các Sở, Ban ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ứng phó với hạn, mặn.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn gần 14.500 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó có hơn 8.000 hộ yêu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp. Trước tình hình này, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm đưa vào sử dụng các công trình cung cấp nước sạch tập trung để kịp thời giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân.

Đối với vùng khó khăn về nước sinh hoạt nhưng không thể bố trí vận chuyển nước với quy mô lớn đến từng hộ dân, UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ chi phí vận chuyển và mua nước sinh hoạt cho hộ nghèo, cận nghèo và gia dình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với giá 20.000 đồng/m3 và định mức 40 lít nước sinh hoạt/người/ngày.

Công văn hỏa tốc của Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Sở, Ban ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp giải khát cho dân.
Công văn hỏa tốc của Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Sở, Ban ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp "giải khát" cho dân.

Chỉ đạo huyện Trần văn Thời sử dụng ngân sách huyện và bố trí phương tiện đường thủy tổ chức vận chuyển, kịp thời cung cấp đủ nước sinh hoạt miễn phí cho các hộ dân. Đối với một số tuyến thuộc xã Khánh Thuận (huyện U Minh), do địa bàn rộng, dân cư phân tán nên UBND tỉnh thống nhất triển khai khoan 3 giếng nước ngầm theo cơ chế lệnh khẩn cấp để hộ dân tự đến vận chuyển nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Tỉnh cũng đồng ý cho Sở NN&PTNT mua sắm bổ sung 1.000 bồn trữ nước thể tích 1m3 để cung cấp miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khó khăn.

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát chặt chẽ danh sác hộ dân thiếu lương thực, có nguy cơ thiếu lương thực trên địa bàn, chủ động xuất ngân sách cấp huyện và vận động tổ chức, cá nhân tài trợ để hỗ trợ kịp thời, không để người dân bị đói; đồng thời vận động hộ dân có giếng nước ngầm hoặc nước nối mạng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ đang gặp khó khăn về nguồn nước.

Tuấn Thanh - Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm