Nghệ An:
Giây phút nghẹt thở đánh đuổi 6 hải tặc Somali
(Dân trí) - Làm việc trên tàu đánh bắt cá ở biển Ấn Độ Dương, bị hải tặc Somali bắt giữ, như chuột chạy cùng sào, 4 thuyền viên xứ Nghệ và Hà Tĩnh đã bất ngờ đánh quật bọn hải tặc Somali, giải cứu thành công những thành viên trên tàu.
4 người Việt và bí mật đánh đuổi 6 tên hải tặc Somali
Những ngày đầu tháng 12/2011, nhận được thông tin 4 thuyền viên Việt Nam về nước, chúng tôi trở về miền biển Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An. Trong ngôi nhà nhỏ nằm cạnh đường liên xã, cạnh con sông Cấm hiền hòa, gia đình ông Nguyễn Hoàng Thành - ông ngoại anh Tiến tại xóm Mới, xã Nghi Thiết - từ sáng sớm đã tập trung nhiều phóng viên và người dân ân cần đến thăm hỏi 4 thuyền viên từ Hà Nội về đêm qua.
Anh Tiến cho biết, ngày 21/7/2011, 4 anh em gồm: anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1982), Nguyễn Văn Thủy (SN 1991), ở xóm Mới, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An cùng Nguyễn Giang Sang (SN 1991, ở Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Dương Văn Mãi (SN 1990, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lên đường đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Cả 4 anh em đều lên làm việc trên con tàu Chin Yi Wen (Trịnh Nghi Văn của Đài Loan - ông chủ là người Đài Loan). Tổng trên tàu lúc đó có 28 người gồm các nước: Trung Quốc, Việt Nam, Philippin, Indonesia làm việc và đánh bắt cá ở vùng biển Ấn Độ Dương.
Cùng lúc đó, bọn chúng lục và tịch thu toàn bộ điện thoại, tư trang, tiền bạc và yêu cầu ông chủ phải chuộc 30 triệu USD. Rồi bọn chúng bắt toàn bộ 28 người trên tàu và khống chế vào buồng lái thuyền trưởng, yêu cầu chạy về nước Somali. Trong quá trình bắt giữ, bọn chúng giam giữ toàn bộ anh em, không cho ra ngoài, không cho ăn uống liền hai ngày hai đêm.
“Lúc đó anh em dường như tuyệt vọng hoàn toàn. Tôi chỉ nghĩ mong làm sao khỏe mạnh được trở về với gia đình, vợ con là mừng lắm rồi. Thú thật mới lúc đầu sợ lắm, bọn chúng hung hăng quá...”, anh Tiến tâm sự.
“Mãi đến trưa ngày 5/11, bọn chúng áp giải đầu bếp vào buồng nấu ăn rồi lần lượt áp giải 2 người một xuống ăn. Trong hai đêm đó chúng tôi vừa chạy tàu vừa lên kế hoạch nhưng không có hy vọng gì. Nhưng khi tính toán còn khoảng 1 ngày nữa sẽ về đến Somali, bọn chúng dường như lơ là, có chủ quan, mất cảnh giác. Kế hoạch được đưa ra nhưng không ai dám đứng ra hành động. 4 anh em chúng tôi quyết tâm liều với bọn chúng một phen để giải phóng anh em. Dù sống chết như thế nào cũng phải quyết tâm để giải thoát con tàu và tính mạng của anh em”, anh Tiến nhớ lại.
4 anh em ôm lấy hai tên hải tặc (một tên cầm 3 khẩu AK và 1 tên cầm 1 khẩu AK); tóm súng, giằng co, đánh vật và cướp súng, xô tên cướp nhào xuống biển. Một tên khác cũng bị xô xuống biển. Sau khi cướp được súng, anh Tiến đã dùng súng của bọn hải tặc bắn một loạt đạn chỉ thiên. Cùng lúc đó, ông chủ nghe tiếng súng đã xô tên hải tặc đang áp giải mình nhảy xuống biển. Khi bọn chúng đã bị đẩy xuống biển hết, thuyền trưởng cho quay tàu trở về Đài Loan. Anh Tiến cho biết: “Lúc đó chúng tôi mừng lắm. Tôi nói anh em phải can đảm lên và biết mình đã sống và sẽ trở về nhà. Khi bị bắt nghĩ về vợ dại, con thơ chỉ mong làm sao được giải thoát để mong được hạnh phúc trở về”, anh Tiến bùi ngùi.
Tại đây, các thuyền viên vẫn còn cảm thấy bất an. Tiếp những ngày sau đó ông chủ lại cho thêm một tàu ra để hộ tống tàu Chin Yi Wen đến một nơi khác an toàn hơn. Ngày 26/11/2011, tàu Chin Yi Wen cập cảng Singapore. “Tại đây, ông chủ gặp gỡ và tuyên dương anh em. Ông chủ vui ừng lắm, ông ca ngợi anh em Việt Nam dũng cảm quá, hy sinh bản thân để bảo vệ anh em khác. Ông chủ đã cho 4 anh em một số tiền xe để về Việt Nam và hứa sẽ bồi thường cho anh em sau”, anh Tiến cho biết thêm.
Dương Văn Mãi kể lại: “Học hết lớp 12, ngày 25/8/2009, em đi chuyến đầu tiên đánh bắt cá ở vùng biển Ấn Độ Dương được 20 tháng. Ngày 24/3/2011, em về nhà nhưng những chuyến đi đó với em không nguy hiểm như chuyến đi vừa qua bị bọn hải tặc bắt giữ. Khi đó hồi hộp lắm. Mong rằng cùng đồng tâm hợp lực với anh em để đánh đuổi bọn hải tặc. Lúc đó em chỉ biết lao vào đánh, cướp súng của nó. Khi đó chỉ nghĩ một mất một còn cho nên phải hành động dù sống dù chết. Khi đã đẩy được bọn hải tặc xuống biển thì xem mình đã tự giải phóng được mình rồi”.
Những cảm giác lo âu, sợ hãi... giờ đây đã được xóa nhòa trong vòng tay thân thương của người thân nơi quê nhà. “Tôi nhìn thấy vợ con mà rơi nước mắt. Tôi chỉ biết ôm vợ con mà khóc. Vì không nghĩ mình lại có được ngày hôm nay...”, anh Tiến lau khóe mắt.
Chị Nguyễn Thị Phượng - vợ anh Tiến - là người mừng hơn ai hết: “Ngày nghe tin trên báo chí nói về chồng em và anh em thuyển viên bị bắt buồn lắm. Nhiều đêm nằm ngủ không chợp nổi mắt, ngày cũng chẳng muốn làm việc gì. Em nghĩ không thể gặp được chồng nữa, con em không còn thấy mặt cha. Nhưng bây giờ thì chồng đã về đây rồi, anh em bà con, họ hàng vui lắm. Giờ dù có đói khổ thế nào, em cũng quyết không cho chồng đi nữa mô nhà báo à”.
Vay nợ nóng để đi xuất khẩu lao động
“Ngày hôm qua (1/12), 4 anh em đi Hà Nội ra công ty để báo cáo sự việc và thanh lý hợp đồng. Cả 4 anh em chỉ nhận được tiền đặt cọc 4.500.000 đồng và mới nhận được 9 ngày lương kể từ ngày đi cho đến nay. Chúng tôi mong muốn công ty thanh lý hợp đồng để có tiền trả nợ thôi anh ạ”, anh Tiến cho biết.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thủy bố mất, mẹ già ốm yếu, lại còn phải nuôi 2 đứa em đang đi học. Là trụ cột của gia đình, để có tiền chăm lo gia đình, anh Thủy đã phải vay mượn 15 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động. Nhưng giờ đây hợp đồng lao động chưa được thanh lý và nợ vẫn hoàn nợ. “Bố em mất được hơn 2 năm nay rồi, mẹ già không làm được gì anh ạ. Vay mượn mãi được ít tiền để đi xuất khẩu mong được bù đắp chút ít, nuôi em ăn học nay về nước khi chưa ráo hợp đồng. Chỉ mong công ty sớm giải quyết để có tiền trả nợ. Từ nay cũng đoạt tuyệt với nghề đi biển ở nước ngoài thôi”.
Vùng biển Nghi Thiết những ngày đầu tháng 12/2011 giá lạnh nhưng không khí xóm làng ấm áp với sự trở về của 4 anh em Tiến, Thủy, Mãi, Sang. Họ vui vì vừa từ cõi chết trở về nhưng trong lòng không thôi canh cánh về món nợ lớn đã vay nóng trước lúc ra đi.
Nguyễn Duy