Giấy phép lái xe Việt Nam được sử dụng tại 85 quốc gia
(Dân trí) - Ngày 20/8/2014, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam chính thức là thành viên của Công ước Vienna. Theo đó, giấy phép lái xe của Việt Nam (GPLX) sẽ có giá trị quốc tế, được sử dụng lưu hành hợp pháp tại 85 quốc gia tham gia Công ước Vienna.
Đây là Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna). Khi là thành viên của Công ước Vienna, GPLX của Việt Nam sẽ có giá trị sử dụng tại các quốc gia thành viên khác, chủ yếu ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.
Mẫu GPLX quốc tế
Theo đó, Việt Nam được phép cấp GPLX quốc tế theo nguyên tắc: Những công dân có GPLX quốc gia rồi thì được cấp GPLX quốc tế chứ không phải học hay thi lại để cấp. Công dân Việt Nam được cấp GPLX quốc tế sẽ được lái xe ở các nước tham gia công ước Vienna mà không phải học, thi lấy GPLX của nước sở tại.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) - cho biết, GPLX quốc tế sẽ được cấp theo mẫu thống nhất của công ước Vienna, hình thức GPLX theo dạng quyển giống như hộ chiếu hiện nay. Trên GLPX in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó. Trong GPLX này sẽ ghi rõ người có GPLX quốc tế được lái ô tô, mô tô loại nào. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của công ước từ 1 - 3 năm. TCĐB sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất khi đưa quy định về thời hạn GPLX vào thông tư đang soạn thảo.
Cũng theo ông Huyện, GPLX quốc tế được cấp theo nhu cầu của người sử dụng chứ không bắt buộc hay áp dụng đại trà. Hiện nay TCĐB đang xây dựng các văn bản pháp lý trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt để trong quý I/2015 có thể thực hiện cấp GPLX quốc tế cho công dân Việt Nam sử dụng ở 85 nước. TCĐB cũng đang xây dựng thông tư quy định việc ban hành mẫu GPLX quốc tế cùng quy định quản lý, cấp phát...
Liên quan đến việc GPLX quốc tế, TCĐB đề nghị cơ quan công an xây dựng phôi mẫu GPLX quốc tế có bảo mật và đảm bảo thống nhất với mẫu chung của Công ước Vienna.
Về nguyên tắc, công dân của nước này đến nước khác phải tuân thủ luật pháp giao thông của những nước đó. Vì vậy, khi người Việt Nam sử dụng GPLX quốc tế ở những nước tham gia công ước Vienna thì không cần phải đăng ký trước với cơ quan quản lý giao thông ở nước đó. Người sử dụng GPLX quốc tế khi lái xe nếu được cơ quan kiểm soát giao thông yêu cầu xuất trình GPLX thì xuất trình theo yêu cầu để họ kiểm tra. Còn những người ở các nước tham gia công ước Vienna có GPLX quốc tế do quốc gia của mình cấp khi đến Việt Nam sẽ được Việt Nam công nhận GPLX đó.
Dự kiến, GPLX quốc tế sẽ được cấp thí điểm vào quý I- 2015 ở TCĐB và một số Sở GTVT có nhu cầu lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Mức phí cấp GPLX quốc tế đang được TCĐB xây dựng để Bộ GTVT đề nghị với Bộ Tài chính quy định như mức phí cấp GPLX bằng vật liệu PET hiện nay (135.000 đồng).
Châu Như Quỳnh