1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Giấu xe máy sau ống cống, khoác áo nhà sư ra giao lộ… xin tiền

(Dân trí) - Ngay khi bị phát hiện hành vi giả người tu hành để lừa xin tiền người đi đường, đối tượng vội che mặt, đến chỗ ống cống đang giấu chiếc xe máy, lấy xe nhanh chóng phóng đi…

Những ngày qua, người đi đường từ hướng cửa ngõ các tỉnh miền Đông vào trung tâm Sài Gòn thường xuyên nhìn thấy nhiều “nhà sư” mặc đồ tu hành, tay ôm bình bát đứng bất kể giờ giấc tại góc giao lộ cầu vượt Cát Lái (phường An Phú, quận 2).

Giấu xe máy sau ống cống, khoác áo nhà sư ra giao lộ… xin tiền - 1

Các đối tượng giả người tu hành, đứng tại giao lộ cầu vượt Cát Lái để lợi dụng sự tín ngưỡng, nhận tiền của người qua lại.

Trưa một ngày giữa tháng 10, phóng viên Dân trí phát hiện người phụ nữ (hơn 50 tuổi), khoác áo nhà tu đứng tại góc giao lộ nói trên. Nhiều người đi đường trong lúc dừng chờ đèn tín hiệu đã để tiền vào chiếc bình bát. Không ít người còn thành kính chấp 2 tay xá người mặc đồ nhà sư sau khi “cúng dường” vào chiếc bình.

Giấu xe máy sau ống cống, khoác áo nhà sư ra giao lộ… xin tiền - 2

Nhóm chăn dắt trẻ em và các đối tượng giả người tu hành núp gần nút giao Cát Lái trên xa lộ Hà Nội.

Giấu xe máy sau ống cống, khoác áo nhà sư ra giao lộ… xin tiền - 3

Sau khi "làm ăn", các đối tượng về nhà trọ đếm tiền.

Điều đáng nói là người phụ này trước đó vài tháng đã từng bị lực lượng chức năng phường An Phú mời về trụ sở để làm rõ hành vi giả người tu hành để trục lợi. Sau đó, đối tượng đã viết cam kết không tái phạm. Cũng cần nói thêm rằng, người phụ nữ nói trên khá thân thiết với nhóm ”chăn dắt” trẻ em mà báo Dân trí đã có bài phản ánh trước đó.

Ngay khi phát hiện bị ghi hình, đối tượng đã vội lấy vạt áo che mặt và nhanh chóng lên chiếc xe máy giấu phía sau những chiếc ống cống công trình gần đó phóng đi.

Giấu xe máy sau ống cống, khoác áo nhà sư ra giao lộ… xin tiền - 4

Đối tượng giả sư lấy vạc áo che mặt khi phát hiện bị phóng viên ghi hình.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường An Phú khẳng định thường xuyên lập tổ công tác xử lý tình trạng ăn xin, chăn dắt trẻ em, giả người tu hành… trên địa bàn. Công việc này sẽ được làm mạnh tay hơn trong thời gian tới để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.

Nói về thực trạng những người lợi dụng khoác áo người tu hành để trục lợi, Nhà sư Minh Hóa (Pháp viện Minh Đăng Quang, phường An Phú, quận 2) cho rằng, người mặc y áo, đi ngoài đường xá, ngã 3, ngã tư… nhận tiền của người có lòng tín ngưỡng như vậy không phải là chính thống của nhà sư khất sĩ (hệ giáo khất sĩ – Giáo hội Phật giáo Việt Nam). “Đây thực chất mang tính lợi dưỡng cho nhu cầu đời sống, không đúng luật phép nhà Phật; không tạo hình ảnh đẹp, gây hiểu lầm”, nhà sư Minh Hóa khẳng định.

Theo sư Minh Hóa, khất sĩ đi khất thực trong phạm vi có giờ giấc (từ sáng sớm đến đúng ngọ); đến nơi quang đãng, thanh vắng, yên tịnh; không phải ôm bình bát đứng giữa đường; đặc biệt việc nhận tiền là không đúng cách vì khất sĩ chỉ nhận đồ ăn như bánh kẹo, cơm, cháo… tùy món ăn mà nhà sư sẽ nhận. Nhà sư khất thực ôm bình bát vào xóm làng nơi thanh tịnh, thanh vắng một cách nhẹ nhàng. Khi đầy bát sẽ quy về tịnh xá hay nơi vườn rừng, nơi ngọ trưa để chú nguyện, thọ trai.

"Mở lớp" đào tạo sư giả!

Trao đổi với Dân trí, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM cũng khẳng định: "Từ sau năm 1975, việc khất thực của nhà sư gần như không còn, không được cấp phép và đến nay không còn tồn tại.

Thời gian qua, nhiều đối tượng lười lao động đã lợi dụng để hành nghề nhằm mưu cầu tư lợi, thậm chí còn có không ít nơi "mở lớp" đào tạo sư giả. Vì vậy, Thành hội Phật giáo khuyến cáo người dân, để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng từ thiện cũng như tiếp tay "nuôi" kẻ lười biếng, tốt nhất không nên cho tiền sư khất thực".

Đăng Lê