Giật mình với nạn "chặt chém" công khai trên cầu Long Biên
(Dân trí) - Ba trăm nghìn đồng cho 2 cốc nước, 1 đĩa hoa quả, 1 bắp ngô và khách hàng phải trả thêm cả tiền chiếu để ngồi uống nước hóng gió trên cầu Long Biên…
Trước khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều trường hợp các bạn trẻ phản ánh thực trạng đi uống nước hóng mát trên cầu Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) và bị "chặt chém" với cái giá trên trời.
"Nạn nhân" chủ yếu là các học sinh, sinh viên, người ngoài tỉnh từ xa tới không có kinh nghiệm. Chỉ đơn giản uống vài cốc trà, ăn mấy miếng củ đậu, cóc xoài..., họ có thể trở thành miếng mồi béo bở cho những người chiếm dụng mặt cầu bán hàng.
Ngang nhiên chiếm dụng mặt cầu làm nơi kinh doanh
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cây cầu được người kiến trúc sư thiết kế tháp Eiffel thiết kế, xây từ năm 1899 đến năm 1902.
Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên và phần đường sắt được thiết kế ở giữa. Nhưng hiện nay, hai bên đường của cây cầu Long Biên đang bị một số người chiếm dụng để thành nơi bán hàng. Cảnh tượng kinh doanh nhộn nhịp diễn ra từ 19h đến tận 0h sáng. Vào thời điểm này, hai bên vỉa hè và thậm chí cả mặt cầu trải kín các mảnh chiếu của các chủ quán "xí" chỗ.
Tối ngày 21/10, theo nghi nhận của PV Dân trí, dọc hai bên đường dành cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ các quán cóc hoạt động tấp nập. Người dân đi bộ trên cầu cho biết, các hàng quán này đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Hoạt động kinh doanh diễn ra “sôi nổi” nhất vào những ngày hè nóng nực. Chiếu trải đến đâu là mặc nhiên cầu bị chiếm đến đấy, các phương tiện không được phép lấn vào. Chưa hết, xe máy của khách dựng dưới đường dọc hai bên cầu cũng gây cản trở giao thông cho các phương tiện qua lại.
Một tấm chiếu trải cho khách ngồi được tính giá theo... phút.
Mỗi chủ quán đều có khu vực trải chiếu riêng, không ai xâm phạm địa bàn của ai, cũng không có lực lượng chức năng nào tới can thiệp. Bất cứ ai đỗ xe gần nơi được trải chiếu đều được chủ quán mời chào uống nước, còn nếu không có ý định mua hàng lập tức bị... đuổi đi chỗ khác.
Điều đáng nói, đồ uống và đồ ăn ở đây có giá đắt hơn nhiều nơi khác đến cả chục lần. Trung bình 100.000 đồng cho một đĩa hoa quả với vài miếng xoài, cóc, củ đậu...; 50.000 đồng 1 cốc nước (trà, nước sấu...); 30.000 đồng 1 bắp ngô nướng và đặc biệt khách hàng ngồi lên chiếu phải trả thêm tiền chiếu được tính theo phút (người viết ngồi khoảng 45 phút và bị tính 70.000 đồng tiền chiếu). Nếu khác hàng đôi co, cãi cọ với chủ quán ngay lập tức sẽ bị đe nẹt kiểu “dân anh chị”.
Trong vai một cậu sinh viên đi chơi cùng bạn, tôi đi đến khu vực giữa cầu Long Biên và lập tức được các chủ quán nước mời chào nhiệt tình. Dừng lại tại một quán nước do 3 người đàn ông đang ngồi bán trên cầu, tôi gọi 2 cốc nước chanh tươi, một đĩa củ đậu và 1 bắp ngô nướng, sau đó một người đàn ông trung tuổi là chủ quán đến sắp chỗ và chỉ cho chúng tôi ngồi lên chiếc chiếu ngay sát phía thành cầu.
Người đàn ông trung tuổi bán hàng cho biết hiện dọc theo hai bên cầu Long Biên chỉ còn 4 – 5 quán nước như thế này: “Trước đây thì cũng nhiều, nhưng giờ chỉ còn mấy quán này thôi vì để làm ăn được trên này thì phải "có trách nhiệm" thì mới tồn tại được” (?).
Một trong số những hàng quán "mọc" trên cầu Long Biên.
Sau khi ngồi với bạn được khoảng 45 phút, tôi đứng dậy thanh toán thì được báo giá 300.000 đồng. Khi chúng tôi kêu đắt, chủ quán nói 2 cốc nước chanh 100.000 đồng, đĩa củ đậu 100.000 đồng, 1 bắp ngô 30.000 đồng và 70.000 đồng tiền chiếu.
"Bữa ăn" 300.000 đồng.
“Ai cũng có thể trở thành nạn nhân”
Cũng ngồi uống nước cùng quán với chúng tôi, nhưng anh Tâm, một vị khách đã khá quen mặt ở đây, cho biết hầu hết ai đến đây uống nước lần đầu cũng đều trở thành nạn nhân của nạn "chặt chém" này, đặc biệt là những khách hàng đi xe biển ngoại tỉnh.
“Tôi uống nước trên cầu Long Biên này cũng rất nhiều lần rồi và cũng thừa biết các hàng quán này chặt chém khách như thế nào, nhưng nếu biết cách thì cũng không đến nỗi phải mất tiền oan nhiều như thế đâu”, anh Tâm cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Tâm cho biết ai lần đầu đến đây cũng có thể trở thành nạn nhân bị "chặt chém".
“Ngay từ lúc bạn đến họ sẽ để ý đến biển số xe của bạn, nếu bạn đi xe biển kiểm soát của Hà Nội thì sẽ ít bị "chặt chém" hơn. Như kinh nghiệm của tôi là bạn nên hỏi giá trước khi ngồi xuống. Lưu ý nữa là không nên ngồi chiếu mà nên hỏi chủ quán có ghế ngồi không”, anh Tâm chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, mặc dù tình trạng những hàng quán "chặt chém" kiểu này gây mất an toàn giao thông, chiếm dụng mặt cầu, gây nhiều bức xúc nhưng không thấy có lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.
Sáng ngày 22/10, trao đổi với PV về việc "chặt chém" của các chủ hàng quán nước trên cầu Long Biên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng Công an quận Long Biên, Hà Nội - cho biết: “Chúng tôi sẽ ghi nhận thông tin báo chí phản ánh tới và cho anh em sớm kiểm tra tình trạng này”.
Minh Thông