TPHCM:
"Giật mình" với lực lượng thu gom rác dân lập
(Dân trí) - Theo Trưởng Ban đô thị HĐND TPHCM Trương Trung Kiên, hiện lực lượng thu gom rác dân lập ở thành phố chiếm đến 60%, có quận/huyện lên đến 80%. Trong khi đó, việc thu gom rác của lực lượng này khá nhếch nhác, gây rơi vãi, bốc mùi hôi...
Ngày 5/5, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP. Ông Trương Trung Kiên – Trưởng Ban đô thị HĐND TPHCM – đã tiết lộ con số về lực lượng thu gom rác dân lập khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Theo ông Kiên, hiện thành phố có 2 hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường là thu gom công lập (công ích TP, quận/huyện) và thu gom dân lập (cá nhân, tập thể, hợp tác xã). Điểm đáng chú ý, lực lượng thu gom rác dân lập chiếm tỉ lệ lớn với 60%, có quận/huyện tỉ lệ này lên đến 80%.
Ông Kiên cho biết, lực lượng thu gom rác dân lập có 2 hình thức tổ chức. Cụ thể, một người có thể làm chủ đường dây rác và trực tiếp cung ứng dịch vụ với 2-3 người (thường là người nhà), hoặc thuê thêm 1-2 lao động bên ngoài. Ngoài ra, một người là chủ đường dây thu gom rác và thuê mướn lao động đi thu gom. Người này sở hữu nhiều đường dây nhưng không trực tiếp thu gom mà khoán cho người lao động.
Ông Kiên cho rằng công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập được phân cấp cho quận, huyện đã không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay, nhiều địa phương chưa quản lý được lực lượng này.
Hiện TP có hơn 1.000 điểm hẹn tập kết rác chủ yếu tập trung ở các quận nội thành và 26 trạm trung chuyển. Việc ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn khá trầm trọng dù thời gian tập kết ngắn, vì nằm xen cài trong các khu dân cư, trên các trục đường chính.
Ông Kiên cho rằng chính việc kết nối không đồng bộ giữa thu gom và vận chuyển rác dẫn đến tình trạng xe tới điểm hẹn mà không có rác để tiếp nhận và ngược lại, rác đã tập trung mà xe thì chưa tới. Ngoài ra, bố trí các trạm trung chuyển rác cũng chưa phù hợp với quá trình đô thị hóa như: công suất, khoảng cách an toàn, công nghệ xử lý…
“Trong khi đó phương tiện thu gom, vận chuyển rác là xe tự chế như xe ba gác, xe thùng gắn vào xe máy, xe ép… cơ bản đáp ứng quy mô tuy nhiên không thống nhất về quy cách kỹ thuật dẫn đến tình trạng rơi vãi, rò rỉ, mùi, gây mất vệ sinh môi trường”, ông Kiên thẳng thắn.
Ông Kiên kiến nghị: “Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường có thể kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động”. Ông Kiên cũng cho biết đến tháng 1/2019, toàn bộ hệ thống rác dân lập sẽ chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho biết, hiện nay có một số đường dây rác dân lập thu 25.000 đồng/hộ/tháng, cao hơn nhiều so với quy định. Còn đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị phải đấu thầu công khai đường dây rác, ai làm tốt hơn thì nên chọn.
Đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị nên tăng cường thêm thùng rác công cộng, tăng cường lực lượng xử lý rác và nâng cao chế độ cho lực lượng này. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn.
Ông dẫn chứng, tại địa bàn quận 8 có hơn 10.000 ngôi nhà trên kênh nhưng ký hợp đồng thu gom rác chưa đầy đủ nên người ta vứt rác xuống kênh rất nhiều gây ô nhiễm môi trường.
Theo đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, hiệu quả tuyên truyền người dân không xả rác chưa cao. Ông cho biết ở thủ đô Paris (nước Pháp) có rất nhiều thùng rác nhưng đường phố vẫn dơ, nhiều rác. Trong khi đó, ở Tokyo (Nhật Bản) đặt ít thùng rác nhưng đường phố lại sạch sẽ.
“Người dân Nhật Bản được tuyên truyền anh tạo ra rác thì anh phải kiếm chỗ bỏ hoặc về nhà anh bỏ”, ông Quang nói. Ông đề nghị cần có cách tuyên truyền hiệu quả hơn.
Theo ông Quang, ở Paris đã xã hội hóa việc xử phạt xả rác. Khi một người nào đó xả một tàn thuốc liền bị đội xử phạt xã hội hóa chụp hình, phạt 63 euro, trong khi một gói thuốc chỉ 18 euro. Sau hơn 2 tháng xử phạt, hiện tượng xả rác ở Paris đã giảm hẳn.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Văn Khoa (Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng: “Để quản lý chất thải rắn tốt phải làm tốt công tác quy hoạch, phân loại rác, đề ra mục tiêu đốt bao nhiêu, chôn bao nhiêu. Cái nào xã hội hóa được thì cứ làm. Tư nhân chê thì Nhà nước mới làm. Phải xây dựng hạ tầng xử lý rác đa dạng, linh hoạt và hiệu quả. Rác cũng chính là tài nguyên, phải làm sao lấy được tiền từ rác”.
Quốc Anh