1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Giật mình lọt vào “bản tệ nạn”!

(Dân trí) - Những con đường đất bạc màu sâu hun hút, những mái nhà tranh xập xệ, những đứa trẻ lấm lem phong phanh cùng giá rét… Bản Kẻ Nính và bản Định Tiến (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) đang “chết” dần trong cuộc đối đầu với kiếp mưu sinh…

Có một câu chuyện thật như đùa, vẫn được bà con nơi đây kể lại. Người con gái của bản Kẻ Nính lấy chồng về bản Hoa Hải. Cuộc sống nhà chồng khó khăn, cùng cực; không chịu nổi cảnh nghèo, cô gái xin chồng cho ra phố làm ăn với bạn. Hỏi làm gì, cô hồn nhiên: “Ta đi làm “cái cave” mới sướng được, bọn nó cũng làm mà”. Bị chồng đánh chửi, cô vợ mới vỡ nhẽ “cave” là nghề gì.

 

Lọt vào “bản tệ nạn”, những câu chuyện buồn và nực cười như thế nhiều nhan nhản…

 

Bản chết trẻ vì “ết”

 

Ông Lim Văn Nghĩa, trưởng bản Định Tiến, đượm buồn khi chúng tôi đề cập đến căn bệnh AIDS. Ông tưng tửng: “Ta cũng nỏ muốn nói đến đâu. Ai lại giơ lưng cho thiên hạ xem…”. Trong câu chuyện ông chỉ nhắc nhiều đến từ “buồn”. Tôi hiểu đối với ông, chuyện những người đàn ông trong bản vội vã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ là câu chuyện kinh hoàng.

 

Lát sau, miên man trong chén rượu, trưởng bản Nghĩa mới thủ thỉ: “Chết toàn trẻ cả à. Cứ 40 tuổi trở xuống thôi. Bị “ết” cả. Năm ngoái cũng có đến 4-5 người đấy…”. Nói rồi ông Nghĩa lôi cuốn sổ ghi chép cũ kĩ lật từng trang. Đối với ông, mỗi ngày phải mở số ra ghi ngày, tháng, tên người chết là một ngày buồn.

 

“P. 40 tuổi, chết cuối năm ngoái; Hoàng Văn L. 30 tuổi cũng thế; Lim Văn T. 26 tuổi; Vi Văn D. 20 tuổi; rồi T., D.,… mấy đứa đều chỉ mới 25 tuổi. Chết vì “ết” ả. Gia cảnh chúng nghèo lắm”, ông đọc cuốn sổ, kèm theo tiếng thở dài não nề.

 

Ông Nghĩa bảo hầu hết những nạn nhân trên đều chẳng buôn bán gì, chỉ đi rừng làm gỗ rồi nghiện. Hầu như họ đều chích chung kim tiêm và chỉ sau 3 tháng là qua đời.

 

Trưởng bản rùng mình: “Có một đứa trước khi chết còn bảo: Ta đi cũng có đến 21 đứa dùng chung kim tiêm”. Ở bản Định Tiến, kim tiêm quăng vương vãi khắp nơi. “Sau nhà ta đấy, chỉ sáng mai ra cũng nhặt được dăm cái. Có đứa nó chích trước mặt cũng chẳng biết mần chi. Cái bản này nghiện nhiều lắm”, ông Nghĩa bần thần.

 

Nghiện còn nhiều không và có ai sắp ra đi không?. Trưởng bản Định Tiến trả lời buồn: “Nhiều lắm, tui cũng chẳng biết mô. Người bệnh thì biết răng được vì họ có nói mô, nhưng cũng không hiếm. Còn người con của bản đang chịu án tù vì ma tuý cũng không ít”.

 

Ghé bản “cave”

 

Bản Kẻ nính và Định Tiến trước đây gọi chung là bản Định Tiến. Bản có hơn 300 hộ dân, trong khi đó hộ nghèo chiếm đến 70%. Người dân chủ yếu đi làm gỗ, lên rừng kiếm củi. Đây là 1 trong 8 bản được hưởng dự án 135 của xã Châu Hạnh.

 

Trình độ văn hoá thấp, người dân khi vướng vào các căn bệnh “tệ nạn” đều không đi viện mà giấu giếm nằm nhà chờ chết.

 

Chỉ tính riêng từ năm 2007 và đầu năm 2008, bản có xấp xỉ 10 người chết vì AIDS, độ tuổi từ 24-40.

Giống như bản “ết”, bản Kẻ Nính khá nhộn nhịp. Biết chúng tôi có ý định tìm vào bản, nhiều người dặn dò, hăm dọa: “Vào đó rồi cố mà về nhá”, “Đừng ăn nửa quả trứng (ý nói sợ bị bỏ bùa)”, “Vào kiếm tí “cave” rồi về nhé”,…

 

Gái ở bản Kẻ Nính xem mại dâm như là một nghề cho thu nhập ổn định để nuôi thân và nuôi gia đình.

 

Ông Hà Văn Linh, trưởng bản Kẻ Nính, cũng dè dặt không kém khi đề cập đến tệ nạn ở bản mình. “Làm chi có, chúng đi làm ở công ty cả mà. Đứa mô cũng sướng cả nớ…”. “Thế sao phía huyện tiết lộ ông đã báo lên huyện về việc con em cũng mình làm nghề mại dâm?”. “Thì cũng chỉ có 4-5 đứa thôi. Mà thấy đó nhưng chúng bảo đi làm ăn ở công ty thì biết răng được. Nhưng việc gái của bản đi làm “cave” là có thật…”.

 

Nhiều bậc cha mẹ, nhiều người chồng biết con cháu, vợ mình đi làm gái bán dâm nhưng đành để ngoài tai, coi như không biết. Gia cảnh nghèo quá, giờ bắt về cũng không biết dựa vào đâu mà sống!

 

Ông Linh cho biết, nhiều gia đình có tới 2-3 người cùng dắt díu nhau đi làm nghề buôn hương bán phấn. Ban đầu cũng chỉ một vài người, về sau thấy “làm ăn” được nên gái ở bản bắt chước đi theo. “Nhà ông T. có 3 đứa con gái đều làm “cave”. Hai cô chị đã lấy chồng, còn cô em năm nay mới 16 tuổi nhưng đã đi “nghề” từ năm ngoái. Ra Tết lại đi rồi...”.

 

Lý giải việc tại sao bản có nhiều người làm cái nghề “mạt” đến thế, ông Linh cho hay: “Ban đầu cùng theo chị đi chơi thôi, sau dần quen rồi thành nghề...”.

 

Dân sống gần 2 bản trên đồn đại, ra Tết, thanh niên hai bản Kẻ Nính và Định Tiến đổ xô đi làm ăn xa. Chẳng biết họ làm gì, nhưng cuối năm ai cũng xúng xính, môi đỏ mắt xanh… Gái bản bị vương bụi trần. Ít tháng, đôi năm, họ trở về với thân hình tàn tạ và chết trẻ.

 

Chỉ khổ cho những đứa trẻ bơ vơ mất bố mất mẹ. Và những ông già bà cả lụm cụm chăm đàn cháu thơ… Cảnh đấy ở 2 bản này nhiều lắm!

 

Đặng Nguyên Nghĩa