1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giật mình chuyện xử lý rác thải y tế

Việc hệ thống xử lý rác thải y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hàng ngày đang phải “gồng mình” xử lý khối lượng lớn rác thải là điều đáng phải suy nghĩ và lo ngại hiện nay.

Giật mình chuyện xử lý rác thải y tế - 1
 
Xử lý rác thải y tế từ lâu vốn là một trong những đề tài rất nóng, thậm chí là một trong những vấn đề sống còn trong công tác bảo vệ môi trường.

 

Đâu đó quanh ta vẫn còn những câu chuyện về một người nào đó dẫm phải bơm kim tiêm đã qua sử dụng để rồi về nhà lo phát ốm. Rồi chuyện người này, người kia tự nhiên thấy xuất hiện trước cửa nhà mình lù lù một đống được bao gói rất cẩn thận trong toàn là xilanh, kim tiêm, bông băng, vỏ lọ thuốc... để rồi đành coi như rác của nhà mình, chiều quẳng lên xe rác là xong... Những câu chuyện đó khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, để rồi tiến hành tìm hiểu về thực trạng xử lý rác thải y tế tỉnh nhà.

 

27 cơ sở y tế chung 1 lò đốt cũ

 

Con số trên khiến người ta phải giật mình lo ngại cho công tác xử lý rác thải y tế tỉnh nhà. Với người ngoài cuộc, ít người biết đến chuyện này. Còn đối với những người trong cuộc, việc có đến 27 cơ sở y tế (cả nhà nước lẫn tư nhân chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Yên Bái) đăng ký xử lý rác thải tại duy nhất một địa điểm là lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn là câu chuyện “hàng ngày được nghe”, đây cũng là một trong những khó khăn chưa thể giải quyết của ngành y tế Yên Bái...

 

Tuy nhiên, không phải toàn bộ 27 cơ sở y tế trên đều thực hiện vận chuyển rác thải của mình về đốt tại đây (hiện chỉ có khoảng 7-8 cơ sở, hầu hết là bệnh viện Nhà nước, số còn lại, vì lí do nào đó chỉ đăng ký cho có rồi để đấy, rác thải hàng ngày thì đi đâu không rõ?)

 

Tiến sỹ Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: “Rác thải y tế được chia làm hai loại chính, đó là chất thải rắn và chất thải lỏng. Chất thải rắn bao gồm những dụng cụ y tế, kim tiêm, ống thuốc, bông, băng dính, gạc... đã qua sử dụng. Chất thải lỏng bao gồm các loại nước thải từ các buồng vệ sinh bệnh nhân, buồng mổ, vệ sinh nhà đẻ, vệ sinh tiểu phẫu... Nhìn chung, chúng đều là những loại chất thải trực tiếp từ người bệnh đến khám chữa bệnh, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

 

Đối với mỗi loại chất thải phải có một quy trình xử lý khác nhau, tách rời để đảm bảo tối đa hiệu quả, triệt để trong việc loại bỏ vi trùng, các chất nhiễm khuẩn độc hại đối với môi trường sống và con người”...

 

Vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, trên toàn địa bàn tỉnh, ngoại trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh là có hệ thống lò đốt chất thải rắn và trạm xử lý chất thải lỏng chuyên dụng, còn lại toàn bộ các bệnh viện tuyến tỉnh khác như: Bệnh viện Lao và  Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nội tiết..., các phòng khám (Việt Nga, Tràng An...) cùng 100% bệnh viện tuyến huyện, thị, thành phố, cơ sở y tế tư nhân... đều không có quy trình xử lý rác thải y tế đảm bảo theo yêu cầu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Vì không có hệ thống xử lý rác thải y tế đúng quy chuẩn nên nếu không đăng ký vận chuyển chất thải rắn đến lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiêu hủy thì chỉ còn cách khác là “đẩy sang” cho Công ty TNHH một thành viên Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái tiến hành chôn lấp tập trung với các loại rác thải sinh hoạt khác. Hoặc đối với những bệnh viện, cơ sở y tế các huyện, thị, việc “truyền thống” đang làm là chôn lấp... Đấy là chất thải rắn, thế còn chất thải lỏng?

 

Theo quan sát của chúng tôi ở một số bệnh viện cũng như cơ sở y tế, việc xử lý chất thải lỏng đều được làm rất sơ sài. Có cơ sở cẩn thận hơn một chút thì xây dựng hệ thống bể lắng, còn lại hầu hết chất thải lỏng đều được “trở về tự nhiên” thông qua hệ thống cống rãnh, mương máng rồi đổ ra sông, suối...

 

Quay lại với câu chuyện hệ thống xử lý rác thải y tế, một lý do chung để giải thích việc tại sao không có hệ thống xử lý rác thải đúng chuẩn, đó là do kinh phí - vấn đề muôn thuở đã trở thành “truyền thống” của các địa phương, cơ sở nghèo. Chính vì vậy, rác thải y tế vẫn cứ đi theo “con đường cũ” mà lâu nay chúng thường đi, con đường cong queo nhiều gấp khúc, biết bao người nhìn thấy nhưng đều “lực bất tòng tâm” trong việc “nắn” lại.

 

Thực trạng của hệ thống xử lý rác thải - S.O.S
 
Giật mình chuyện xử lý rác thải y tế - 2
Lò đốt chất thải rắn đã xuống cấp nghiêm trọng với những vết nứt, vỡ lớn của phần gạch chịu nhiệt bên trong.
 
Giật mình chuyện xử lý rác thải y tế - 3

Rác thải y tế rắn được gom gọn trước khi vào lò đốt.

 

Là “cứu tinh” của 27 cơ sở y tế với chức năng chính là thu gom, xử lý rác thải y tế nên hệ thống lò đốt và trạm xử lý chất lỏng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái luôn phải hoạt động liên tục với công suất tối đa trong suốt hơn 8 năm qua. Tuy vậy, với 42-43 mẻ đốt (khối lượng khoảng 2,2 tấn rác)/tháng đối với chất thải rắn, xử lý liên tục 24/24 giờ với khối lượng 5m3/giờ (3.600m3/tháng) đối với chất thải lỏng, việc đảm bảo xử lý hết rác thải y tế của hệ thống lò đốt và trạm xử lý chất lỏng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện vẫn được thực hiện cơ bản, không có gì là quá tải và vẫn đang trong thời điểm “kiểm soát được”.

 

 Thế nhưng câu chuyện lại đi sang một chiều hướng bất lợi khác khi việc “kiểm soát được” với việc “không biết bao giờ sẽ không kiểm soát được” lại đang nổi lên với rất nhiều lý do, mà lý do lớn nhất là sự xuống cấp trầm trọng sau một thời gian quá dài phải hoạt động hết công suất của hệ thống này.

 

Trải qua một vài đợt sửa chữa, khắc phục sự cố tạm thời vào năm 2009, đến nay, hệ thống xử lý rác thải này đã gặp sự cố và hỏng hóc nghiêm trọng. Đối với trạm xử lý chất thải lỏng, bể thu gom nước thải chính (thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước rửa dụng cụ tại phòng mổ, phòng đẻ, nhà vệ sinh của tất cả các phòng bệnh trong các khoa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi...) lượng rác và lượng bùn quá điều kiện cho phép đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của 3 máy bơm chìm, 1 máy sục khí làm việc ở độ xâu 4,5m dưới đáy bể, dẫn tới các máy bơm này không thể hoạt động cùng một lúc, 4 khoang của Modull hiện nay chỉ có 2 khoang hoạt động, còn 2 khoang đã bị gẫy điểm tiếp giáp thanh cố định đĩa sinh học vào trục chính của Modull làm đĩa sinh học chỉ đáp ứng được 50% khả năng xử lý, 2 bơm định lượng axit và javel đã ngừng hoạt động hoàn toàn do làm việc liên tục trong môi trường ăn mòn...

 

Còn đối với lò đốt chất thải rắn y tế, hiện tại vẫn hoạt động, đáp ứng cơ bản việc xử lý rác thải rắn được mang đến nhưng lò đốt thường xuyên gặp những sự cố trong quá trình vận hành như: 2 máy bơm cao áp của 2 đầu đốt chính không hoạt động được như trước dẫn đến việc bố trí nhiên liệu cho lò đốt gặp khó khăn, nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành rất lớn, phần gạch chịu lửa bên trong buồng đốt đã xuống cấp nghiêm trọng làm cho nhiệt độ bên trong buồng đốt không đảm bảo...

 

Bên cạnh đó, các điều kiện khắc phục vụ cho hệ thống xử lý rác thải y tế này cũng đang gặp phải những bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành hệ thống: máy nổ phát điện dự phòng được đưa vào sử dụng 8 năm nay đã làm việc trên 750giờ (theo quy định của thiết bị hoạt động được < 300giờ thì phải thay thế các phụ kiện bắt buộc như: lọc gió, lọc nhiên liệu, lọc nhớt, nước làm mát, ắc quy...) nhưng với số giờ hoạt động trên, ngoài việc thay dầu bôi trơn định kỳ, máy phát điện vẫn chưa được bảo dưỡng và thay thế những phụ kiện bắt buộc.

 

Theo tiêu chuẩn về vận hành, điều này có thể dẫn tới sự cố về kỹ thuật của máy nổ phát điện trong quá trình vận hành cung cấp nguồn điện dự phòng trong thời gian mất nguồn điện chính, bộ phận cầu dao đóng cắt chuyển nguồn tự động (tủ ATS) làm việc đóng, cắt vượt quá số lần tác động của mình trong quá trình mất điện và cũng như trong thời gian chất lượng nguồn điện không đảm bảo đã dẫn tới những sự cố liên tục trong tháng 8 và tháng 9 năm 2011, sự cố này tuy đã được khắc phục nhiều lần nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều lần xảy ra sự cố trong quá trình đóng cắt...

 

Việc hệ thống xử lý rác thải y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày phải “gồng mình” xử lý khối lượng lớn rác thải là điều đáng phải suy nghĩ và lo ngại. Bởi nếu vào một ngày nào đó, toàn bộ hệ thống này gặp sự cố và ngừng hoạt động thì không biết, lượng lớn chất thải y tế sẽ giải quyết ra sao? “Chúng tôi cần được đầu tư một hệ thống xử lý rác thải y tế mới” - ông Vàng A Sàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tâm sự.

 

Lối thoát nào?

 

 Câu chuyện trên khiến chúng ta phải suy nghĩ. Với cả hệ thống các cơ sở  y tế đang phục vụ cho nhu cầu, lợi ích, sức khỏe của cả cộng đồng thì vấn đề xử lý rác thải y tế sẽ phải tính toán sao cho hợp lý? Bài toán không khó vì lời giải đã rõ, chỉ khó ở chỗ chúng ta trình bày lời giải theo cách nào mà thôi.

 

Việc đầu tiên và cần phải làm ngay là tiến hành kiểm tra, yêu cầu toàn bộ các cơ sở y tế thực hiện đúng, đủ các cam kết về việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng thờ ơ hoặc làm “đối phó”.

 

Đối với hệ thống xử lý rác thải tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cần thay thế các phụ kiện đã hỏng hoặc chưa được thay thế theo đúng quy định về thời gian làm việc của thiết bị, mời cán bộ kỹ thuật cao vào khảo sát, đánh giá những hỏng hóc của khu sử lý chất thải gặp phải để có phương án khắc phục...

 

Còn về lâu dài, có lẽ việc đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống xử lý rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là việc cần được các cấp quan tâm, tạo điều kiện. Bởi phục vụ nhu cầu của tới 27 cơ sở y tế, với quãng thời gian hơn 8 năm hoạt động hết công suất trong môi trường nhiều axít vừa qua sự bào mòn máy móc là rất lớn, khó có thể tiếp tục sử dụng một cách an toàn, hiệu quả được nữa.

 

Theo Thiên Cầm
Báo Yên Bái online

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm