1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Giao thông huyết mạch của tỉnh dự kiến lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập

Văn Minh

(Dân trí) - Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng dự kiến là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với 24.233km2, sở hữu hệ thống giao thông kết nối cao nguyên và vùng biển cả.

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng sẽ sáp nhập với tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận, lấy tên tỉnh Lâm Đồng; trung tâm hành chính - chính trị dự kiến đặt tại Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập dự kiến sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233km2, dân số 3.324.400 người.

Giao thông huyết mạch của tỉnh dự kiến lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập - 1

Một đoạn tuyến tránh thành phố Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có hệ thống giao thông đường bộ kết nối các địa phương, vùng kinh tế. Trong đó, kết nối thành phố Đà Lạt với thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thông qua tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 28 với tổng chiều dài khoảng 170km; kết nối Đà Lạt với thành phố Phan Thiết, Bình Thuận thông qua quốc lộ 20, quốc lộ 28B với tổng chiều dài khoảng 160km.

Thành phố Đà Lạt được kết nối với vùng Đông Nam Bộ và TPHCM qua quốc lộ 20 với tổng chiều dài hơn 300km, kết nối vùng biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) qua hệ thống quốc lộ 27C với chiều dài trên 130km.

Giao thông huyết mạch của tỉnh dự kiến lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập - 2

Một góc thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, cho biết, giao thông đối ngoại của Lâm Đồng đã có đầy đủ, đồng bộ, do vậy việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy đối với tỉnh thời gian tới sẽ thuận lợi.

"Trong tương lai, tuyến cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, tuyến nối Ninh Thuận - Lâm Đồng được đầu tư sẽ mở ra sự phát triển cho địa phương", ông Trần Đức Lộc chia sẻ.

Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh Lâm Đồng sở hữu Cảng hàng không quốc tế Liên Khương (sân bay Liên Khương, đóng tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng hiện tại).

Sân bay này có công suất 5 triệu hành khách/năm, là đầu mối giao thông quan trọng, góp phần phát triển ngành kinh tế, xã hội cho Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Giao thông huyết mạch của tỉnh dự kiến lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập - 3

Cao tốc Liên Khương - Prenn nối huyện Đức Trọng với thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu ).

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được công bố. Việc đầu tư các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh này đang được thực hiện.

Cũng theo ông Trần Hồng Thái, Lâm Đồng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công làm đầu mối xây dựng đề án sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông.

Trong giai đoạn 2025-2026, Lâm Đồng phối hợp cùng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28, 28B kết nối Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông. Đồng thời kêu gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy nhôm, khai thác bauxite…

Tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị khởi công cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc, dài gần 74km, vốn đầu tư 17.718 tỷ đồng và cao tốc Bảo Lộc - Tân Phú (Đồng Nai), dài 66km, vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng. Đây là 2 cao tốc nằm trong dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Đầu năm nay, tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa có tờ trình đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cao tốc Đà Lạt - Nha Trang.

Đây là tuyến đường dài 81km, tổng vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng từ năm 2026 đến 2028. Khi hoàn thành, cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đà Lạt - Nha Trang xuống 1,5 giờ thay vì 4 giờ như hiện nay.