1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giao ban trực tuyến về dịch lợn tai xanh

(Dân trí) - Ngày 4/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo 10 tỉnh có dịch lợn tai xanh. Tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ NN&PTNT đã có những nỗ lực trong công tác dập dịch…

Dịch lợn tai xanh có dấu hiệu giảm

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 775 xã, phường của 57 huyện, thị xã thuộc 10 tỉnh, gồm Lâm Đồng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên. Theo đó, tính đến ngày 2/5, tổng số lợn mắc bệnh tại những địa phương này là hơn 255 nghìn con, số lợn bị tiêu hủy là hơn 254 nghìn con.

Thanh Hóa là tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất trong số các địa phương có dịch bệnh tai xanh hoành hành. Báo cáo tại buổi giao ban trực tuyến ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh cho biết, hiện nay số lợn dịch bị tiêu hủy chiếm đến 40% tổng đàn lợn của tỉnh, ước tính thiệt hại lên đến 400 tỷ đồng.

Một trong những lo lắng mà người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa đưa ra là trong số lợn tiêu hủy có rất nhiều lợn nái. Vì vậy, dù dịch đã được khống chế, không cho phát sinh sang các địa bàn mới, nhưng việc khôi phục đàn gia súc trong thời gian tới gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi, thừa nhận: dịch lợn tai xanh ở địa phương này vẫn chưa được khống chế triệt để khi số lợn mới bị nhiễm bệnh vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, điều khiến ông Chi yên tâm là số lợn nhiễm bệnh chỉ xuất hiện trong vùng có dịch mà không lây lan sang các vùng lân cận.

Phát biểu tại buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua. Bộ trưởng cho rằng, mặc dù dịch bệnh diễn biến rất nghiêm trọng, lan ra 10 tỉnh nhưng nhờ quyết tâm vào cuộc của các đơn vị quản lý và người dân nên đến nay số lợn tai xanh đã có xu hướng giảm.

Theo Bộ trưởng, việc khống chế lợn dịch đạt kết quả như vừa qua là một dấu hiệu “đáng mừng” đối với ngành nông nghiệp, người chăn nuôi.

Nhiều kiến nghị

Có mặt tại buổi giao ban trực tuyến, lãnh đạo 10 tỉnh có dịch lợn tai xanh đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN&PTNT… Một trong những vấn đề mà lãnh đạo các tỉnh quan tâm đó là việc xây dựng một chiến lược chăn nuôi quy củ, căn cơ và lâu dài; khoanh nợ cho các hộ dân bị thiệt hại; việc nghiên cứu chủng virus; sản xuất vắc xin; xây dựng lò tiêu hủy di động… Bên cạnh đó, việc hỗ trợ 25.000 đ/kg lợn bị tiêu hủy đang có “dấu hiệu” cào bằng các loại thiệt hại đối với nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lấy ví dụ, trong tổng số 18.000 con lợn bị tiêu hủy thì có đến 40% là lợn nái. “Nếu bán thịt thì lợn nái không được bao nhiêu tiền, trong khi thiếu hụt đàn lợn nái thì việc khôi phục ngành chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Chi cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chung nhìn nhận với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, khi cho rằng “cũng là ký hơi nhưng giá lợn con khác với giá lợn thịt”. Cả ông Quang và ông Chi đều kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ công bằng hơn đối với lợn nái, lợn con bị tiêu hủy, tránh tình trạng “cào bằng” tiền hỗ trợ cho tất cả các loại lợn như hiện nay.

Chỉ đạo buổi giao ban trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cho rằng, mặc dù số lợn nhiễm bệnh tai xanh trên cả nước trong ba đợt vừa qua chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số 2,6 triệu con lợn trên cả nước nhưng công tác khống chế dịch bệnh vì thế không nên chủ quan, lơ là. Phó Thủ tướng cho rằng, ngành nông nghiệp phải tính đến một chiến lược phát triển ngành chăn nuôi căn cơ hơn và dài hạn hơn. Trong chiến lược đó, việc chủ động công tác phòng chống dịch bệnh cũng là một khâu then chốt trong việc ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững, lâu dài.

Trần Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm