1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gian nan phận gái hái hồng

(Dân trí) - “Cũng vì hoàn cảnh gia đình cả thôi; chứ nghề leo trèo này nguy hiểm lắm, nhất là với phận gái chị em chúng tôi!”. Đó là tâm sự của chị Lê Thị Nga ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam) về nghề trèo hồng của những người phụ nữ như chị.

Quê ở tận Thanh Hóa, năm 2003, chị Nga về làm dâu ở vùng đất chiêm trũng tỉnh Hà Nam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng lại bệnh tật triền miên, mọi khó khăn oằn lên đôi vai chị. Cuộc sống khó khăn đã đưa chị đến với nghề hái hồng xiêm từ 3 năm trước.
 
Gian nan phận gái hái hồng - 1
Chị Nga bám trụ trên cành cây hồng xiêm bằng hai chân, hai tay vừa cầm gậy, vừa cầm túi, hái hồng

Chị Nga tâm sự: “Đã không ít người trong thôn theo nghề hái hồng nhưng không trụ được, bởi nghề hái hồng tưởng là công việc đơn giản nhưng đòi hỏi người hái phải có một sự quan sát, có kinh nghiệm mới làm được”.

Trong tư thế vắt vẻo trên cành cao, để hái được những quả hồng già, lại tránh không làm cho hồng bị rớt, xây xước là việc không dễ. Bằng kinh nghiệm của mình, chị Nga cho biết: “Để tránh hái phải những quả hồng non, người hái phải tinh mắt, nhìn quả nào nhiều phấn, cuống nhỏ và giòn, đừng ham những quả to vì nhiều quả tuy to nhưng vẫn còn non”. 

Gian nan phận gái hái hồng - 2
Nhiều hôm chị "treo" mình trên cây hồng cả ngày cũng chỉ hái được 40 - 50kg

Để có hồng xiêm cho khách kịp mua đưa đi các địa phương khác tiêu thụ, chị Nga phải dậy từ rất sớm lo nấu cám cho lợn, cho hai đứa con ăn sáng và đến trường, rồi mới lạch cạch trên chiếc xe đạp cũ bắt đầu hành trình hái hồng của mình. Nhiều hôm chị quên cả ăn uống, hái cho tới khi trời tối hẳn mới về.

Mùa hái hồng thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau, tùy từng đợt, từng cây già hay cây ra bói mà người hái hồng có thể hái được nhiều hay ít. “Nếu hái những cây ra bói vào đúng dịp của hồng có ngày tôi hái được hơn một tạ, còn trung bình khoảng 40 - 50 kg một ngày. Vừa rồi vào dịp Tết, nhiều người đặt tôi phải đi hái suốt vẫn không có hồng nhập cho khách”, chị Nga tâm sự.

Khi được hỏi về thu nhập của nghề nguy hiểm này, chị tặc lưỡi: “Cũng vì hoàn cảnh gia đình cả thôi chú à! Chứ nghề leo trèo này nguy hiểm lắm, nhất là với phận gái chúng tôi, thu nhập thì chẳng đáng là bao, trung bình một ngày cũng được hơn một trăm, nhưng phải làm cật lực từ sáng đến tối”.
 
Nghề trèo hái hồng là một nghề khó khăn nguy hiểm đến tính mạng, bởi nhiều cây hồng xiêm rất cao và hồng là loại cây rất giòn. Nếu người hái không cẩn thận, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
 
Gian nan phận gái hái hồng - 3
Những trái hồng chị Nga hái xuống rất ít khi phải loại bỏ

Không chỉ vậy, hái hồng còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. “Nhiều ngày vừa qua trời rét đậm rét hại kèm theo mưa phùn nên không thể trèo hái được, chân tay run lên bần bật không làm thế nào để trèo lên được, hay mùa mưa bão gió lớn thì đành chịu”, chị Nga nói.

Không riêng gì chị Nga, ở thôn Ngô Khuê và nhiều thôn khác trong xã Bình Nghĩa còn có hàng chục chị em phụ nữ khác cũng làm nghề hái hồng. Ruộng ít, không có nghề gì khác nên những lúc nông nhàn, nhiều chị em trong thôn, trong xã tranh thủ đi hái hồng kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.  

Hoàng Văn - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm