1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gian lận xăng dầu đã có thuốc “đặc trị”?

(Dân trí) - Suốt năm 2008, giá xăng dầu trong nước và trên thế giới lên xuống với một biểu đồ khó lường. Cùng đó là nạn gian lận xăng dầu vô cùng phức tạp và tinh vi. Để bước đầu giải quyết tình trạng này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã vào cuộc.

Gian lận xăng dầu đã có thuốc “đặc trị”? - 1
 
Thanh tra đột xuất

Thành công của đợt ra quân thanh tra xăng dầu trên diện rộng năm 2008 của Bộ KHCN là do yếu tố bất ngờ và bí mật. Bất ngờ là Bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất, nhưng bí mật cũng không kém phần quan trọng góp phần dẫn đến thành công. Trưởng đoàn thanh tra là người được biết địa điểm sẽ đến, còn các thành viên trong đoàn được phân công rõ ràng như trấn giữ cột đo, tháo niêm chì, kiểm tra sổ sách...

Đã có những trường hợp, đoàn thanh tra đang trên đường đến điểm kiểm tra nhưng nửa đường đã thay đổi địa điểm. Sau khi phát hiện các cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận, Bộ KHCN đã cung cấp cho báo chí để đưa tin rộng rãi và các doanh nghiệp này không thể "giấu mặt", công khai các thủ đoạn gian lận, lập đường dây nóng hoặc số điện thoại thường trực để người tiêu dùng biết mà cảnh giác khi mua xăng, cũng như có thể phát hiện được sự gian lận của doanh nghiệp, kịp thời báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý kịp thời.

Hiệu quả thanh tra đã thể hiện bằng những con số cụ thể: Tỷ lệ vi phạm gian lận xăng dầu so với năm 2003 giảm từ gần 29% xuống còn gần 18%; xử phạt từ hơn 1.200 cơ sở vi phạm xuống còn gần 800 cơ sở, tuy nhiên số tiền xử phạt lại nghiêm khắc hơn từ hơn 2 tỷ đồng (trung bình 1,7 triệu đồng/cơ sở vi phạm) lên gần 4 tỷ đồng (4,7 triệu đồng/cơ sở vi phạm).

Thủ đoạn gian lận từ đơn giản đến tinh vi...

Sở dĩ thanh tra xăng dầu phải bất ngờ và bí mật là vì thủ đoạn gian lận của các cơ sở kinh doanh ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Nếu năm 2003, lần đầu tiên Bộ KHCN ra quân thanh tra trên diện rộng, phát hiện được 6 số cơ sở lắp các bo mạch điện tử /1.267 cơ sở vi phạm, thì năm 2008 phát hiện được 57 cơ sở có thủ đoạn lắp đặt mạch đo lường phụ hoặc thay IC chương trình/797 cơ sở.

Trong những lần thanh tra trước đây, Đoàn cũng đã từng phát hiện ra một số cơ sở gian lận bằng hình thức thủ công còn phổ biến như cưa rãnh đầu vít - bộ điều khiển - vừa đủ nhỏ để tháo dây kẹp chì, điều chỉnh sai số rồi lắp lại, thì nay sử dụng mạch đo lường phụ, thay thế IC chương trình đã có chiều hướng gia tăng như số liệu nêu trên đã đề cập.

Hình thức gian lận xăng dầu còn tinh vi hơn khi mà các doanh nghiệp sử dụng mật khẩu truy nhập vào chương trình phần mềm của hệ thống để thay đổi thông số kỹ thuật nhằm gian lận được.

Trong đợt thanh tra năm vừa qua, Đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An đã phát hiện 7 cơ sở với 10 phương tiện đo đã gắn mạch đo lường phụ vào cột bơm để điều chỉnh làm giảm lượng xăng, dầu bơm ra bán cho khách hàng thu lợi 4-8%. Chuyển mạch này được chủ cơ sở kinh doanh lắp tại thân máy, chôn dưới đất lắp trong nhà để điều chỉnh sai số.

Ngoài những cơ sở lắp mạch đo lường phụ đoàn thanh tra đã phát hiện 2 cơ sở với 3 phương tiện đo thay đổi chức năng IC chương trình. Phát hiện ra những kẽ hở của cơ quan quản lý đo lường về kẹp chì phương tiện đo chủ cở sở kinh doanh đã thay đổi chức năng IC chương trình, thì lượng xăng dầu bơm ra thiếu có thể sai số từ 3-6%.

Hình thức gian lận xăng dầu bằng cách sử dụng mật khẩu truy nhập vào hệ thống thay đổi thông số kỹ thuật đã được nhà sản xuất thiết lập, đoàn thanh tra phát hiện được ở nhiều địa phương như Bình Dương, Nghệ An, Gia Lai. Mật khẩu truy nhập để thay đổi thì chỉ có người lập trình, nhà phân phối thiết bị và không hiểu tại sao cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng biết?

Tại Nghệ An, đoàn thanh tra còn phát hiện ra hình thức “móc túi” người tiêu dùng hết sức tinh vi đến đoàn thanh tra cũng khó lòng phát hiện được. Đó là doanh nghiệp sử dụng đường hệ thống ống công nghệ 2 ống chìm từ 2 bể chứa khác nhau nhưng cùng dẫn vào một cột bơm để gian lận xăng dầu. Khi muốn bán xăng loại xăng nào (A95 hay A92) thì người bán hàng chỉ cần đổi đường dẫn là xong, trong khi đó người tiêu dùng vẫn phải trả tiền xăng A95 mà chỉ nhận được xăng A92.

Thanh tra xăng dầu - liệu có “bắt cóc bỏ đĩa”?

Trao đổi về kết quả khả quan trong đợt thanh tra xăng dầu năm 2008, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KHCN cho biết: Bộ KHCN đã bắt trúng bệnh và cho đúng thuốc đối với công tác thanh tra xăng dầu trên diện rộng, bằng các biện pháp đã thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả, hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận xăng dầu, không để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như trước đây, nhằm thiết lập lại kỷ cương phép nước và thị trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh.

Hiện nay, Bộ KHCN đã kiến nghị đưa vào dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm hàng hoá về chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm gian lận xăng dầu, bằng cách buộc doanh nghiệp phải nộp lại khoản thu lời bất chính mà do hành vi gian lận mà có. Điều này rất quan trọng, bởi khi họ định gian lận họ sẽ phải tính đến những hậu quả phải chịu khi bị thanh tra phát hiện.

Ông Trần Minh Dũng khẳng định: Chỉ đơn cử một cơ sở kinh doanh xăng dầu mỗi ngày bán được 3.000 lít, gian dối 5% thì mỗi ngày họ sẽ thu lời bất chính 1,6 triệu đồng, hơn 50 triệu đồng/tháng và gần 600 triệu đồng/năm. Bộ KHCN sẽ căn cứ vào đó để tính tiền truy thu lại khoản thu lời bất chính của doanh nghiệp; đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu.

Trong đợt thanh tra xăng dầu năm 2008, Bộ KHCN làm rất quyết liệt, xử phạt xong nhưng vẫn có thể quay lại bất kỳ lúc nào để thanh tra, nếu vẫn còn vi phạm đề nghị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Bộ KHCN đã cung cấp cho ngành công thương 52 cơ sở đề nghị rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm như lắp chíp gian lận, thay đổi chương trình, gian lận với tỷ lệ lớn (có nơi gian lận đến 10%).

Với cách làm như vậy, thời gian vừa qua đã lập lại được thị trường kinh doanh xăng dầu tương đối lành mạnh, đặc biệt khi có sự tham gia giám sát của nhân dân, doanh nghiệp khó có thể thực hiện được hành vi gian lận. Vì doanh nghiệp có thể đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không thể đối phó với toàn dân được.

Cho đến thời điểm này, Bộ KHCN vẫn đề nghị các sở luôn ở "chế độ" thường trực trong việc thanh kiểm tra xăng dầu, bất cứ khi nào có sự phản ảnh, tố cáo, phát hiện của người dân đối với doanh nghiệp có biểu hiện gian lận xăng dầu cần xử lý thông tin và tiến hành thanh tra đột xuất ngay. Làm như vậy doanh nghiệp không thể biết khi nào cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra mà đối phó.

Phương Anh
TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm