Gian lận thi: Phần mềm dùng từ 2016, các kỳ thi trước có sai sót?

(Dân trí) - Đó là vấn đề được nêu ra trong báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện của Quốc hội. Cơ quan giám sát cho rằng, cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi vì phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước có từng xảy ra sai sót?

Mở đầu phiên họp thứ 38 sáng nay, 14/10, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ (chiếm 86,7%), 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, cơ quan này tổng hợp được 2.251, qua phân loại, lọc kiến nghị trùng, còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp,… các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri như ngành TN&MT (205 kiến nghị), GD&ĐT (191 kiến nghị), LĐ-TB&XH (167 kiến nghị), GTVT (160 kiến nghị). Đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97% ).

Gian lận thi: Phần mềm dùng từ 2016, các kỳ thi trước có sai sót? - 1
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu nhiều vấn đề thể hiện qua việc trả lời kiến nghị cử tri.

Đánh giá chung, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, bên cạnh nhiều vấn đề cụ thể được giải quyết kịp thời, đối với một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến.

Bà Hải dẫn chứng, về “tham nhũng vặt”, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý tham nhũng vặt, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra “tham nhũng vặt”; về rà soát,chuyển đổi những vị trí công tác nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực; lắp đặt thiết bị công nghệ để giám sát công chức khi tiếp xúc với người dân… Theo đó, tại các địa phương, xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, như UBND TP.Đà Nẵng lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân; Bộ Tài chính rà soát điều chuyển công tác 4.240 công chức hải quan và 1.200 công chức thuế; Bộ Y tế triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh,…

Về việc dạy thêm, học thêm: trước phản ánh của cử tri tại nhiều kỳ họp về những tiêu cực trong hoạt động này, Bộ GT&ĐT đã bãi bỏ quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng tăng cường công tác quản lý, công khai, minh bạch, hạn chế đến mức tối đa việc trục lợi như “ép” học thêm, thu học phí quá cao, chất lượng dạy thấp, cơ sở vật chất không đảm bảo, phòng học chật chội, không đủ ánh sáng. Cụ thể hoá, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Nội, TPHCM... đã quy định rõ mức thu tối đa trong học thêm, “cấm” dạy thêm với trẻ trước khi vào lớp 1 và học sinh đã học 2 buổi/ngày....

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng được ghi nhận đã tích cực, nỗ lực tìm nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, về kiểm soát thực phẩm trong trường học, bước đầu có kết quả tích cực.

Sai phạm của Thanh tra: Hiện tượng có thật, cần thanh lọc đội ngũ!

Về hạn chế, Trưởng Ban Dân nguyện chỉ rõ, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Cụ thể, nhiều văn bản trả lời chưa đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc cứ tri nêu. Với những kiến nghị về khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời của bộ, ngành thường đưa ra số liệu thanh tra, xử lý vi phạm chung, các giải pháp khắc phục chung, chưa nêu kết quả xử lý đối với sai phạm cụ thể mà cử tri đề cập.

Báo cáo của Ban Dân nguyện dẫn chứng, cử tri ở 8 địa phương kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, 20 địa phương kiến nghị tại kỳ họp thứ  7 yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Trả lời, Bộ GD&ĐT nói Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi; Công tác quán triệt quy chế thi; Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Trả lời này, theo Trưởng Ban Dân nguyện, không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào?

“Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm. Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi” – bà Nguyễn Thanh Hải phân tích.

Bên cạnh đó, theo Trưởng Ban Dân nguyện, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót nào hay chưa?

Hạn chế khác của công tác giải quyết kiến nghị của cử tri là việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri  chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết.

Ngoài ra, một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫnhoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật.

Dẫn chứng được nêu là việc thí điểm triển khai taxi công nghệ. Ban Dân nguyện nhận định, 4 năm sau hoạt động thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh thành, Bộ GTVT vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình vận tải này. Bộ GTVT vẫn chỉ trả lời “đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Ban Dân nguyện cũng nhận định, một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị. Ví dụ, liên quan đến vấn đề đạo đức công vụ, Trưởng Ban Dân nguyện đề cập, hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã được cử tri phản ánh từ lâu.

“Ngoài ra từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy, đây là một hiện tượng có thật tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của người dân. Kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này” – Trưởng Ban Dân nguyện nêu ý kiến.

Phương Thảo