Giảm ùn tắc giao thông: "Giải pháp gì cũng phải nhân văn"
(Dân trí) - Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, chúng ta muốn sớm giảm ùn tắc giao thông nhưng phải lựa theo điều kiện kinh tế của người dân. KTS Trần Ngọc Chính đồng tình: "Giải pháp gì cũng phải nhân văn".
Cần chính sách trước mắt và chính sách lâu dài
Tại buổi tọa đàm "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn" do Báo Dân trí tổ chức ngày 14/9, một độc giả đặt câu hỏi: Thời gian qua, Hà Nội, TPHCM đã chủ trương thí điểm nhiều phương án "giải cứu" giao thông nội đô như: Cấm xe cá nhân vào trung tâm ngày chẵn/ lẻ; cấm xe máy; phát triển giao thông công cộng; phân làn phương tiện, đếm xe tại các tuyến trọng điểm… Nhưng có vẻ các phương án đều chưa mang lại hiệu quả?
Trả lời câu hỏi, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) nhận định, vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mà điển hình là Hà Nội và TPHCM không dễ giải quyết một sớm một chiều. Chúng ta cần có chính sách trước mắt và chính sách lâu dài, giải quyết được căn cơ thì mới có thể đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông.
Nói về những phương án thí điểm thời gian qua, Thiếu tướng Đức cho rằng chúng ta phải lựa theo điều kiện thực tế.
"Tôi lấy ví dụ như chúng ta cấm taxi tại đoạn đường này, nhưng người dân vẫn có nhu cầu đi taxi qua một đoạn đường gần đó thì họ phải đi vòng đường khác. Hay là đã có lúc chúng ta tính tới việc cấm xe máy. Tuy nhiên với điều kiện kinh tế của người dân và thực trạng xã hội hiện nay thì chúng tôi thấy rằng việc này chưa khả thi", Thiếu tướng Đức phân tích.
Dẫn chứng cho việc một số điều chỉnh giao thông chưa hợp lý, không phù hợp với hạ tầng giao thông hiện nay của các khu đô thị, thành phố..., Thiếu tướng Lê Xuân Đức lấy dẫn chứng: Trên một tuyến đường có 3 làn xe nhưng chúng ta dành hẳn một làn đường chỉ phục vụ một đối tượng xe thì sẽ luôn luôn gây ra ùn tắc. Như vậy là rất bất hợp lý về giao thông.
"Tiếp đó là phân công trách nhiệm các cấp trong việc quản lý phương tiện cần được thống nhất. Tôi lấy ví dụ như là các phương tiện trọng tải lớn đi vào thành phố thì có đơn vị cấp phép, nhưng trên thực tế, phải có đơn vị nào quản lý việc điều tiết giao thông tại tuyến đường đó, bởi nếu cho phương tiện đó vào đoạn đường tắc thì sẽ gây tắc đường... đây là một nghịch lý và rất bất hợp lý", ông Đức phân tích.
Một ý cuối cùng mà lãnh đạo Cục CSGT cho hay lực lượng chức năng cần làm, đó là xác định được một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra tình trạng ùn tắc giao thông... Để từ đó các bên liên quan có thể phối hợp, thực hiện một cách nhịp nhàng trong việc phân cấp, điều tiết và quản lý giao thông một cách tốt hơn.
"Giải pháp gì cũng phải nhân văn"
Cùng trao đổi tại buổi tọa đàm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nêu quan điểm, hiện nay mong muốn của những nhà làm quy hoạch là hệ thống giao thông công cộng phải có sự kết nối như đường sắt, metro ngầm, BRT, taxi... và đặc biệt phải bỏ xe máy.
"Hà Nội rất muốn bỏ xe máy nhưng rất khó vì nó liên quan đến cuộc sống người dân. Chúng ta phải tính đến sự nhân văn, vì trong điều kiện hiện tại, người dân đi làm, đi học, đi chợ, đi đón con... đều cần đến xe máy cả. Muốn bỏ xe máy thì phải có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Giải pháp gì cũng phải nhân văn!", ông Chính nói.
"Để làm được điều đó chúng ta phải có phương án hết sức đầy đủ và khoa học. Nhưng hiện tại chúng ta đang bị làm nửa vời và không biết lúc nào mới xong được vì liên quan đến cả tầm nhìn và tài chính. Kinh phí đầu tư một tuyến metro đã lên tới 1-2 tỉ USD", ông Chính nói.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho rằng, việc cấm xe máy vào nội đô sau năm 2025 nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, để triển khai, chính quyền thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó.
Trước hết, hiện nay Hà Nội chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân bằng các loại phương tiện công cộng. Ông Bình cho rằng, sau năm 2025, nếu thành phố chỉ dựa vào 2 tuyến đường sắt đô thị để lên phương án cấm xe máy thì chưa thuyết phục.
Ông Bình nhận định, Hà Nội có hệ thống xe buýt khá phát triển, mạng lưới xe buýt tương đối phủ dày, khoảng 10 - 15 phút/chuyến. Tuy nhiên, nếu yêu cầu toàn bộ người dân dừng hẳn xe máy để chuyển sang đi xe buýt, mà tại các điểm không có tàu điện, thì chắc chắn hệ thống xe buýt sẽ bị quá tải. Từ đó, người dân sẽ chọn đi xe ô tô cá nhân thay vì cân nhắc chọn đi các loại phương tiện công cộng khác.
Phương án được chuyên gia đề xuất đó là, trong thời gian tới Hà Nội cần nâng cao chất lượng các loại phương tiện giao thông công cộng. Khi đó, người dân sẽ thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bỏ dần phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.
Ông Bình cho rằng, hiện nay lực cản lớn nhất trong việc cấm xe máy sau năm 2025 đó là việc người dân phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân, khi người dân không thích phải đi bộ đến các điểm chờ giao thông công cộng. Chính vì vậy, lộ trình tới cuối năm 2025 cấm xe máy sẽ là quá gấp gáp, khó thực hiện.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.
Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.
Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam .
Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn