“Giám sát người nghèo mà dê lạc vào nhà bí thư lại không biết”
(Dân trí) - “Có những đoàn giám sát kéo tới rất đông nhưng làm qua loa, liên hoan vui vẻ rồi về... Giám sát người nghèo mà dê lạc vào nhà bí thư lại không biết. Đi giám sát người nghèo lại không hỏi dân, đối tượng thụ hưởng”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã phát biểu thẳng thắn như vậy tại buổi thảo luận về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều 21/10.
Theo ông Thuyền, dự thảo luật phải làm rõ thêm chủ thể của giám sát, đối tượng giám sát. “Mỗi năm các đoàn giám sát của Quốc hội giỏi lắm chỉ đi được 10-15 tỉnh là cùng, còn lại các đoàn đại biểu Quốc hội làm. Trách nhiệm của đoàn đại biểu Quốc hội như thế này thì rất nhẹ”- ông Thuyền nói.
Ông Thuyền đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm giải quyết vụ việc của người đứng đầu. Thủ trưởng có mặt ở cơ quan thì bắt buộc phải trả lời, giải đáp chứ không thể ủy quyền cho cấp dưới.
“Anh thủ trưởng ở đấy nhưng lại giao cấp phó trả lời thì không được. Phải quy định rõ thủ trưởng có trách nhiệm trả lời, chỉ khi nào vắng mặt do đi nước ngoài hoặc ốm đau quá thì mới ủy quyền cho cấp phó trả lời”- ông Thuyền đề nghị.
Đồng tình, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị luật cần quy định đối tượng bị chất vấn là đối tượng liên quan đến con người cụ thể. “Vừa qua nhiều đại biểu chất vấn Thủ tướng nhưng trả lời lại là Phó Thủ tướng. Luật không cấm ủy quyền nhưng cần quy định rõ các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới. Cử tri mong muốn chính chức danh bị chất vấn trả lời”- ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn cho rằng kết quả giám sát chuyên đề còn hình thức vì chỉ nghe ngóng báo cáo, chưa đi vào bên trong của hoạt động này.
“Như các cụ nói, phải “nằm trong chăn mới biết chăn có giận”. Tôi đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ. Đoàn giám sát về tình hình oan sai thì phải trực tiếp gặp người bị giam, nhân chứng, người liên quan,... thì biết rõ ràng, nhiều chiều về sự việc chứ”- ông Đương dẫn chứng.
Dẫn ra thực trạng đơn “kêu” nhiều nhưng Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương không có trách nhiệm gì, chủ yếu “chuyển và chờ hồi âm” theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo chứ chưa thể hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, cần quy định rõ hơn thẩm quyền của đại biểu Quốc hội trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của cử tri, nhân dân.
“Không để kéo dài tình trạng cử tri trông chờ vào đại biểu, đại biểu lại trông chờ vào những qui định mờ hồ như việc giải quyết khiếu nại tố cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay. Phải làm sao để chấm dứt tình trạng khi đoàn giám sát đi cơ sở ra về, cơ sở cười tươi nói “chúc các bác đi về gặp nhiều may mắn”- ông Sinh nêu thực trạng.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật do ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày cho biết có ý kiến đề nghị rà soát và bổ sung vào thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng; chất vấn, kết quả giám sát chuyên đề và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bổ sung chỉnh lý lại điều này như trong dự thảo luật”- ông Lý nói.
Thế Kha