Giám sát chặt tài chính ở các hội, quỹ nhằm ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ yêu cầu giám sát chặt chẽ về tài chính ở các hội, quỹ (xã hội, từ thiện) nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế; ngăn chặn việc lợi dụng, chi phối của các thế lực thù địch.

Sáng 7/10, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Đại diện của 355 hội, 45 quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động phạm vi cả nước cùng dự hội nghị.

Theo bà Thang Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội vụ), tính đến 12/2021, cả nước có hơn 93.400 hội (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù); gần 3.000 quỹ xã hội, quỹ từ thiện (85 quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh, số còn hoạt động trong phạm vi địa phương).

Giám sát chặt tài chính ở các hội, quỹ nhằm ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế - 1

Bà Thang Thị Hạnh- Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ (Ảnh: Trung Đỗ).

Về cơ bản, mô hình tổ chức, hoạt động của các hội, quỹ phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội, quỹ. Các hội, quỹ từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tốt vai trò và có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều hội, quỹ đã phát huy vai trò, vận động đông đảo hội viên và huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng vẫn có hội, quỹ hoạt động hình thức và chưa phát huy tính tự chủ, hiệu quả chưa cao, chưa quản lý tốt các pháp nhân trực thuộc.

Tổ chức và hoạt động của một số hội có xu hướng vụ lợi hóa, không tuân thủ nguyên tắc "không vì mục đích lợi nhuận". Có hội mâu thuẫn trong nội bộ, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài không giải quyết được. Một số hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ không đúng quy định của điều lệ.

Một số quỹ (xã hội, từ thiện) chưa thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm. Có quỹ hoạt động chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ; mâu thuẫn nội bộ. Cá biệt còn lợi dụng tổ chức, hoạt động của quỹ nhằm mục đích có tính chất tư lợi.

Bà Thang Thị Hạnh đề nghị thời gian tới cần nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về hội, quỹ để ngăn ngừa dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Tăng cường quản lý nhà nước về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định pháp luật. "Giám sát chặt chẽ về tài chính nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế; nắm bắt được tình hình hoạt động, quan hệ với các nguồn tài trợ, ngăn chặn sự lợi dụng, can thiệp, chi phối của các thế lực thù địch, khủng bố. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài lợi dụng tài trợ để tác động, nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội"- bà Hạnh nêu rõ.

Xem xét khen thưởng các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện có những đóng góp tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội. "Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện; xử lý vi phạm (nếu có) và đề xuất, kiến nghị giải thể đối với hội, thu hồi giấy phép đối với quỹ.

Nhân dịp này, Bộ Nội vụ khai trương trang thông tin trên cơ sở dữ liệu về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên website của Bộ Nội vụ (http://csdlhoiquy.moha.gov.vn) để người dân nắm bắt thông tin.

Xu hướng, địa bàn viện trợ

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, xu thế viện trợ vẫn tập trung vào các lĩnh vực cần nhiều hỗ trợ từ các nguồn trong và ngoài nước như: Y tế (chủ yếu là phòng chống dịch Covid-19), giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các khoản viện trợ liên quan đến hỗ trợ các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tăng cường phản biện xã hội đối với thể chế, chính sách ngày càng tăng về số lượng (mặc dù khối lượng viện trợ không lớn).

Các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan đã nghiêm túc tham gia trong công tác xem xét, thẩm định trình duyệt các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; góp ý kiến đối với các khoản viện trợ đặc biệt là các khoản viện trợ cho các đối tượng tiếp nhận là các tổ chức thuộc các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

"Xu hướng các tổ chức phi chính phủ ngày càng thu hẹp địa bàn viện trợ. Viện trợ từ các công ty, viện nghiên cứu, các khoản viện trợ nhỏ lẻ của các cơ quan ngoại giao (Quỹ đại sứ quán, Quỹ đại sứ) có xu hướng tăng.

Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các bên tài trợ đã bắt đầu chuyển hướng tiếp cận từ hỗ trợ thông qua chương trình, dự án sang hỗ trợ thông qua viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức"- đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.