Giám sát chặt hoạt động của các đoàn thanh tra
(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vừa ký ban hành Thông tư số 05/2015 quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới.
Theo đó, người ra quyết định thanh tra quyết định về số lượng, thành phần người tham gia giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Quyết định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra phải được ban hành bằng văn bản cùng với thời điểm ban hành quyết định thanh tra và được gửi cho đoàn thanh tra, người giám sát, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quyết định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được công bố cùng thời điểm công bố quyết định thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo để công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoặc tổ giám sát tham dự buổi công bố quyết định thanh tra, quyết định giám sát.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu công chức được giao nhiệm vụ giám sát phải am hiểu về lĩnh vực thanh tra, pháp luật thanh tra; có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá; có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan. “Không bố trí công chức giám sát hoạt động của đoàn thanh tra trong trường hợp có vợ (chồng), con hoặc cha, mẹ, anh, chị em ruột của người đó, của vợ (chồng) người đó là trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra”- thông tư nêu rõ.
Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra có trách nhiệm gửi người ra quyết định thanh tra Báo cáo kết quả giám sát.
Căn cứ thông tin, báo cáo trong quá trình giám sát và báo cáo kết quả giám sát, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền đối với những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát có liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của đoàn thanh tra nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu và tiến độ thanh tra; thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra.
Trường hợp phát hiện đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, công chức được giao nhiệm vụ giám sát có vi phạm pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.
Thông tư 05/2015 của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định kết quả giám sát là một trong những căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ra kết luận thanh tra.
Thế Kha