Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà làm Phó ban Dân nguyện

Hoài Thu

(Dân trí) - Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Nghị quyết vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1016, bổ nhiệm Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ nhiệm bà Trần Thị Nhị Hà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian bổ nhiệm là 5 năm.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà làm Phó ban Dân nguyện - 1

Bà Trần Thị Nhị Hà (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong thời gian giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Trần Thị Nhị Hà được hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 1,25. 

Bà Trần Thị Nhị Hà sinh năm 1973, quê ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Bà là Tiến sĩ Y học, Bác sĩ đa khoa, Cử nhân Luật, Cử nhân Ngôn ngữ Anh. Bà Trần Thị Nhị Hà hiện là Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội; Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Với việc bổ nhiệm bà Trần Thị Nhị Hà, lãnh đạo Ban Dân nguyện hiện gồm 4 người, là Trưởng ban Dương Thanh Bình và 3 Phó ban: Hoàng Anh Công, Lò Việt Phương, Trần Thị Nhị Hà.

Ban Dân nguyện là cơ quan giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu.

Khi cần thiết, Ban sẽ chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Đây cũng là cơ quan tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ban Dân nguyện có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.