Giải trình vụ PMU 18 với các nhà tài trợ
Vụ tiêu cực tại Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18) đã được đưa lên “bàn mổ” trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam, khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Lần đầu tiên Thủ tướng đề nghị các nhà tài trợ thẳng thắn đối thoại với Thủ tướng và 5 vị Bộ trưởng.
Lý do dễ hiểu vì vụ việc ở PMU 18 trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà tài trợ, do liên quan trực tiếp đến vấn đề sử dụng nguồn vốn ODA. Đích thân Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, một trong số các bộ tiếp nhận khoản ODA lớn nhất từ các nhà tài trợ, báo cáo về vụ việc này.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, ngay sau khi xảy ra vụ việc PMU 18, Bộ đã tổ chức kiểm điểm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, nhưng hiện vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, trước mắt Bộ đề nghị sử dụng ngân sách Nhà nước hoàn trả vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, nơi thông qua vốn ODA của Nhật Bản, cho việc PMU 18 mua 4 xe sai chủng loại với số tiền là 4,126 tỷ đồng. Sau đó các xe này sẽ tiến hành bán hóa giá và yêu cầu những người làm trái bồi thường phần còn thiếu để trả lại ngân sách.
Ngoài ra, sau “sự cố” tại PMU 18, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng muốn tham vấn ý kiến của các nhà tài trợ để lựa chọn giải pháp mua xe hoặc thuê xe cho các dự án trong tương lai để đảm bảo việc tiết kiệm và hiệu quả nhất, còn trước mắt chỉ áp dụng hình thức thuê xe trong các dự án.
Đại diên Bộ cũng khẳng định, các công trình sử dụng vốn ODA do Bộ quản lý nói chung và các dự án do PMU 18 trực tiếp quản lý trong thời gian qua đã đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định của các nhà tài trợ.
“Một số vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, trong đó có vụ việc PMU 18 liên quan đến trách nhiệm, sai phạm của một số đơn vị, cá nhân. Nhưng chúng tôi khẳng định các vụ việc này không liên quan tới chất lượng các công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng củng cố lòng tin cho các nhà tài trợ.
“Đồng thời, vụ việc này đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam kiên quyết chống tham nhũng, trong đó có nguồn vốn ODA được quản lý, sử dụng một cách chặt chẽ và hiệu quả”, ông Phúc nói.
Sau với chuyện đã xảy ra ở PMU 18, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệ, để trên cơ sở đó từng bước củng cố lại tổ chức, đặc biệt là tổ chức của Ban Quản lý dự án 18. Đến nay, theo ông Hồ Nghĩa Dũng, hoạt động của Ban này đã trở lại bình thường.
Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, mô hình các ban quản lý hiện tại là phù hợp, vấn đề ở chỗ là cần phải thay đổi một số cơ chế hoạt động của quản lý ban dự án sao cho chặt chẽ.
“Chủ đầu tư khi quản lý dự án thành lập các ban quản lý, nhưng nếu giao quyền hạn như trong thời gian qua cho ban quản lý như vậy là quá lớn, không kiểm soát được. Do vậy, phải siết chặt và giao đúng mức quyền hạn của ban quản lý”, ông nói.
Đầu năm nay, vụ tiêu cực tại PMU 18 từng thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận, sau khi một thứ trưởng, một tổng giám đốc và một số cá nhân khác có liên quan bị cơ quan công an Việt Nam tạm giam để điều tra về các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với các nhà tài trợ một số văn bản chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng ODA đã được bổ sung và sửa đổi trong năm 2006, như tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA với sự minh bạch, phân cấp một cách triệt để, và hài hòa hóa các thủ tục.
Vào phiên họp ngày mai, các nhà tài trợ sẽ công bố cam kết vốn ODA mới cho Việt Nam trong năm tới.
Theo Quý Hiểu
VnEconomy