1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giải trình về môi trường của thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(Dân trí) – Ngày 19/9, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL), chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A cho biết đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường để giải trình về những vấn đề môi trường của Báo cáo ĐTM 2 dự án này.

Trước đó, Bộ TN-MT đã có báo cáo Thủ tướng về những vấn đề môi trường chưa được nói rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án trên như vấn đề tổn thất tài nguyên rừng, bảo vệ loài cá chình hoa quý hiếm, tác động đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng khu bàu sấu… Từ đó, Bộ đề nghị xem xét lại quy hoạch 2 dự án trên.

Sơ đồ vị trí quy hoạch thủy điện ĐN6, 6A
Sơ đồ vị trí quy hoạch thủy điện ĐN6, 6A

Theo báo cáo giải trình của Tập đoàn ĐLGL, so sánh với tỷ lệ diện tích đất rừng bị mất của các dự án thủy điện khác đã thực hiện ở Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng đất rừng trên đơn vị công suất của hai dự án thủy điện ĐN6, 6A là ít nhất.

Cụ thể, diện tích sử dụng đất rừng của ĐN6 (công suất 135MW) là 197,6 ha, tương ứng tỷ lệ 1,27 ha/MW; ĐN6A (công suất 106MW) là 174,6 ha tương ứng tỷ lệ 1,44 ha/MW. Trong khi đó, tỷ lệ bình quân sử dụng đất của các dự án thủy điện lớn đã thực hiện ở Tây Nguyên là 14,5 ha/MW; của ĐN3 là 31,55 ha/MW; Trị An là 80,75 ha/MW…

ĐLGL cũng giải thích lý do hai dự án thủy điện ĐN6, 6A có tỷ lệ sử dụng đất ít là vì cột nước thiết kế thuộc loại thủy điện cột nước thấp, bờ sông phạm vi lòng hồ của dự án lại có độ dốc lớn nên vùng ngập thêm khi dâng nước ít hơn so với các dự án thủy điện khác. Ngoài ra, các hạng mục công trình chính và phụ trợ, đường giao thông đều được bố trí gọn về một phía bờ phải sông nên diện tích chiếm đất ít hơn so với các dự án thủy điện khác thường được bố trí ở cả hai phía bờ sông.

Về khu đất ngập nước Bàu Sấu, ĐLGL cho là trong báo cáo ĐTM đã đưa ra số liệu và phân tích chế độ dòng chảy sông Đồng Nai khi có thủy điện ĐN6, 6A cũng như ảnh hưởng của chế độ dòng chảy này đối với dòng chảy của suối Đăk Lua - khu đất ngập nước Bàu Sấu. Đơn vị này khẳng định chế độ vận hành của thủy điện ĐN6, 6A làm cho dòng chảy hạ lưu sẽ được điều hòa hơn, không làm giảm mực nước sông, không ảnh hưởng đến khu Bàu Sấu.

Đối với loài cá chình hoa, theo chủ đầu tư, đây là loài cá sinh sản ở vùng cửa biển và di cư lên thượng nguồn sông sinh sống. Trong khi đó, thủy điện ĐN 6, 6A nằm giữa các bậc thang công trình thủy điện hiện có, cách xa trên 130 km về phía thượng nguồn của hồ Trị An. Như vậy, tác động ảnh hưởng làm mất đường di chuyển của loài cá này nếu có thì là do toàn bộ các đập thủy điện đã có trên sông Đồng Nai chứ không phải đến khi có ĐN6, 6A mới xảy ra.

Ngoài ta, ĐLGL cũng giải trình về những tiềm ẩn tác động bất lợi khác mà Bộ TN-MT nêu như công trình phụ, đường giao thông, đường dây tải điện, đời sống dân sinh… Theo ĐLGL, đường dây tải điện của 2 dự án trên đã được quy hoạch đấu nối vào đường dây truyền tải điện 220 kV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long. Các đường dây này nằm trên địa bàn Đăk Nông và Bình Phước, ngoài phạm vi VQG Cát Tiên.

Đường giao thông vào công trình được bố trí theo các đường dân sinh và lâm sinh hiện có cũng nằm ở các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, ngoài phạm vi VQG Cát Tiên. Đối với đời sống dân sinh kinh tế của người dân khu vực dự án, theo chủ đầu tư thì do không có di dân tái định cư nên không làm xáo trộn cuộc sống người dân.

Chủ đầu tư cũng thừa nhận là dự án có ảnh hưởng đến sinh kế của 163 hộ đánh bắt cá trên sông khu vực dự án trong thời gian xây dựng công trình. Tuy nhiên, trong báo cáo ĐTM đã đánh giá các tác động này và đã dự trù kinh phí để hỗ trợ hoa màu và giảm thu nhập đánh bắt cá của các hộ này. Chủ đầu tư khẳng định sau khi dự án đi vào vận hành, nghề cá sẽ được phục hồi và gia tăng sản lượng bằng việc nuôi và đánh bắt cá trong phạm vi lòng hồ.

Cũng trong báo cáo giải trình này, chủ đầu tư cho biết hiện báo cáo ĐTM các dự án thủy điện ĐN6, 6A đang được tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các nội dung này để trình cho Bộ  TN-MT thẩm định.

Tùng Nguyên