Giải thể 2 đơn vị thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đề xuất giải thể Tạp chí Quê hương và Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đó là nội dung đáng chú ý được nêu trong hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo quy định hiện hành, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có 6 đơn vị: Vụ Nghiên cứu tổng hợp; Vụ Thông tin - Văn hóa; Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Văn phòng (có 5 phòng trực thuộc) và Tạp chí Quê Hương (đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban).
Bộ Ngoại giao cho biết đã xin ý kiến các cơ quan liên quan và thống nhất chủ trương giải thể Tạp chí Quê hương, tổ chức lại thành trang Thông tin điện tử tổng hợp trực thuộc Vụ Thông tin - Văn hóa.
Việc này vừa đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho kiều bào trong tình hình mới, vừa tiết kiệm, sử dụng ngân sách hợp lý và hiệu quả hơn.
Đồng thời, sáp nhập Vụ Pháp chế - Thanh tra vào Văn phòng, cơ cấu thành một phòng của Văn phòng.
Giữ nguyên mô hình tổ chức của 3 đơn vị còn lại: Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp; Vụ Thông tin - Văn hóa, Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ (đổi tên thành Vụ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ).
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao; có Chủ nhiệm và không quá 4 Phó chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban.
Dự thảo quyết định đề xuất, Vụ Pháp chế - Thanh tra và Tạp chí Quê hương tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đến khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc.
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao đánh giá, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục khẳng định vị trí, ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên cũng có tính nhạy cảm cao do còn có những hoạt động chống phá của các thế lực người Việt phản động ở bên ngoài.
Cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và người thân trên khắp cả nước là một nguồn lực to lớn của đất nước. Lũy kế đến tháng 12/2022 đã có 385 dự án theo hình thức FDI của người Việt Nam tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,718 tỷ USD. Đây là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật ở các nước có xu hướng gia tăng, trở thành đối tượng kiểm tra chủ yếu của cơ quan chức năng sở tại trong các chiến dịch truy quét người cư trú, lao động bất hợp pháp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc làm ăn, kinh doanh của kiều bào.
Các đơn vị trong Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tham mưu, đề xuất và thực hiện chủ trương, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển đất nước và ổn định cuộc sống tại nước sở tại và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam...