Đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đề xuất thay đổi cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia. Cơ quan này sẽ có Chủ nhiệm và không quá 4 Phó chủ nhiệm.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Quyết định số 10/2019 hiện hành, Ủy ban Biên giới quốc gia gồm 5 đơn vị: Vụ Biển; Vụ Biên giới Việt - Trung; Vụ Biên giới phía Tây; Vụ Tuyên truyền - Thông tin và Tư liệu; Văn phòng Ủy ban có 4 phòng trực thuộc.

Bên cạnh đó, Ủy ban Biên giới quốc gia có Bộ phận Chính sách - Pháp lý được tổ chức như một đơn vị cấp Vụ, thành lập ngày 9/4/2009 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị với tên gọi ban đầu là Bộ phận Thường trực Ban Nghiên cứu Chính sách biển.

Đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia - 1

Trụ sở Bộ Ngoại giao (Ảnh: Mạnh Quân).

Với cơ cấu, tổ chức đó, Bộ Ngoại giao đánh giá Ủy ban Biên giới quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia sẽ hết sức nặng nề trong thời gian tới. Vì thế, Bộ Ngoại giao đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan cho phù hợp thực tế.

Trong đó sẽ hợp nhất Vụ Biên giới Việt - Trung và Vụ Biên giới phía Tây, đổi tên thành Vụ Biên giới đất liền.

Đơn vị mới được xây dựng trên nền tảng quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ của 2 đơn vị trước đây: Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đàm phán, hoạch định, xác định đường biên, mốc giới; ký kết các văn kiện pháp lý; công tác quản lý biên giới, mở, nâng cấp cửa khẩu…

Nhiệm vụ chính của Vụ Biên giới đất liền là tập trung vào công tác quản lý biên giới, quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền và hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.

Đồng thời tiếp tục đàm phán với phía Campuchia để hoàn thành 16% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước.

Tổ chức lại Vụ Biển từ Vụ Biển và một phần nhiệm vụ về công tác biển, đảo do Bộ phận Chính sách Pháp lý hiện nay đang đảm nhiệm gồm 2 diễn đàn đàm phán trên biển với Trung Quốc (đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đàm phán bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam - Trung Quốc).

Hợp nhất Vụ Tuyên truyền, Thông tin - Tư liệu và Bộ phận Chính sách - Pháp lý thành Vụ Chính sách, Pháp lý và Thông tin. Đơn vị này sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, chính sách, pháp lý tổng thể về biên giới lãnh thổ cho cả tuyến biển đảo lẫn biên giới trên đất liền. Xây dựng các đề án, dự án lớn về biên giới, lãnh thổ và hợp tác quốc tế về biên giới lãnh thổ.

Với Văn phòng của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý hệ thống phần mềm, mạng nội bộ, an toàn an ninh mạng; xây dựng, quản lý và tổ chức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về biên giới, lãnh thổ; công tác chuyển đổi số, xây dựng và quản lý thư viện (điều chuyển về từ Vụ Tuyên truyền, Thông tin và Tư liệu).

Dự thảo nêu, Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại trong lĩnh vực biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Ủy ban có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật, trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Ủy ban Biên giới quốc gia có Chủ nhiệm và không quá 4 Phó chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban.

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban.