1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải quyết gần 6.900 hồ sơ thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam

(Dân trí) - Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã trình Chủ tịch nước giải quyết gần 6.900 hồ sơ thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Ngày 31/12, tại hội nghị triển khai công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và nuôi con nuôi năm 2020, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết đã có 60/63 địa phương triển khai sử dụng hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Hệ thống đã ghi nhận có trên 2,1 triệu trường hợp đăng ký khai sinh.

Về lĩnh vực quốc tịch, cơ quan này đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước giải quyết gần 6.900 hồ sơ thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam (tăng 22,8% so với năm 2018).

Đồng thời đã trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.093 trường hợp để làm cơ sở cho việc cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Trong khi đó, ông Đặng Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, phản ánh toàn quốc đã giải quyết được gần 3.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, 359 trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài.

Cục Con nuôi đã tiếp nhận 1.250 lượt báo cáo về tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Theo kết quả tổng hợp, về cơ bản các cháu đều phát triển tốt, hòa nhập tốt và được chăm sóc y tế kịp thời nhất là trẻ em bị bệnh, bị khuyết tật.

Giải quyết gần 6.900 hồ sơ thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, những công việc mà hai đơn vị trên thực hiện đều liên quan đến quyền con người, gắn với người dân nên nhận được sự quan tâm của Chính phủ, bộ ngành và dư luận. Những kết quả này không những giúp việc quản lý nhà nước được hiệu quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền nhân thân.

Ông Ngọc chia sẻ trăn trở của mình về vấn đề người không quốc tịch. Đánh giá đây là vấn đề khó và nhạy cảm, ông đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhưng kiên quyết không dung túng cho việc lợi dụng giấy tờ để trục lợi.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo khai thông điểm nghẽn nguồn thông tin về trẻ cần tìm gia đình thay thế, bởi hiện nay vẫn đang có sự cắt khúc giữa các bộ, ngành nên sự phối hợp liên ngành chưa thực sự hiệu quả.

Thế Kha