1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giải pháp đê bao chống lũ đã... sinh hại

Đó là ý kiến của ông Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM tại hội thảo quy hoạch phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010. Theo ông Tiến, giải pháp này được đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp và tác động xấu đến môi trường.

Hội thảo tổ chức tại Cần Thơ, ngày 19/8. Chủ đề của hội thảo đã bị "chìm nghỉm", bởi khách mời tham dự - hầu hết là nhà nghiên cứu, nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực thủy nông - đã tập trung "bàn cãi" về hiệu quả các công trình thoát lũ, ngăn mặn, ngọt hóa các tiểu vùng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Nguyễn Ân Niên, Viện trưởng Viện quy hoạch sử dụng nước và tài nguyên thiên nhiên, nhận xét: "Bờ bao, đê bao chống lũ là con đường phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nếu không dân cư trong vùng tiếp tục lặn hụp trong lũ". Ông Niên cũng khẳng định các công trình, dự án kiểm soát lũ Ô Môn - Xà No, ngọt hóa Gò Công... sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời.

Tuy nhiên, tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế quản trị kinh doanh Đại học Cần Thơ, lại không lạc quan như vậy. Ông Nam tỏ ra bức xúc về những hậu quả mà công trình này mang lại, nhất là với các hộ nghèo.

Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Ngọc San (thành phố Cần Thơ) nhận xét: "Từ khi có các công trình đê bao ở các tỉnh thượng nguồn, các tỉnh hạ lưu, trong đó có thành phố Cần Thơ lại càng bị ngập sâu thêm".

Tương tự, ông Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, day dứt: "Giải pháp đê bao chống lũ đã... sinh hại, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp và tác động xấu đến môi trường. Tôi nghĩ việc thoát lũ, kiểm soát lũ phải tính toán thật cân nhắc, chứ đừng làm tràn lan như hiện nay".

Theo ông Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2006-2010 tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích của việc này là để thực hiện các công trình bờ bao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong cụm, tuyến dân cư, phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Giai đoạn 2010 và định hướng đến năm 2020 sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 14.700 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thành các dự án của giai đoạn trước. Đáng chú ý là 6 dự án kiểm soát lũ khu vực Vàm Nao, Chợ Mới, Bắc Lấp Vò, Cái Sắn - Thốt Nốt, Thốt Nốt - Ô Môn cùng một số công trình phục vụ sản xuất ven biển. Ông Trường khẳng định khi hoàn chỉnh thì những công trình này sẽ mang lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi diện mạo cả vùng.

Theo Thanh Niên