"Giải mã tử thần" trên cao tốc Trung Lương
Theo ông Nguyễn Huy Thao giám đốc Trung tâm quản lý đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tai nạn trên đường cao tốc do hàng loạt lý do như chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, kỹ thuật và chất lượng xe không bảo đảm, lái xe không làm chủ được tốc độ.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về lĩnh vực giao thông, cần phải có số liệu thống kê chi tiết về các vụ nổ lốp xe trong thời gian qua thì mới có thể tìm ra câu trả lời nguyên nhân.
Mặt nhám của đường cao tốc có phải giọt nước tràn khi khi vỏ xe ô tô đã mòn suốt một thời gian dài trước khi nổ vỏ? |
Theo chuyên gia này, nhiều khả năng các vụ nổ lốp xe trên đường cao tốc trong thời gian qua là do lốp xe “có vấn đề”.
“Theo thông tin trên các báo, tôi thấy các vụ nổ lốp hầu hết xảy ra ở xe tải. Tôi làm nhiều năm trong lĩnh vực vận tải hàng hoá nên biết trên thực tế có rất nhiều xe tải chở quá tải nên phải bơm bánh xe căng hơn mức cho phép. Đối với đường bình thường thì không sao, nhưng chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao, không khí trong bánh xe giãn nở cộng với áp suất tăng lên nên bánh xe rất dễ nổ”, vị này giải thích.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện có rất nhiều đơn vị vận tải sử dụng vỏ xe tải cũ, đã có tì vết (được dán lại) nên khi chạy trên đường cao tốc rất dễ bị nổ vỏ.
Nhiều chủ garage dọc QL 1A (TP.HCM) xác nhận, có rất nhiều xe tải dùng vỏ cũ bị tì vết phải dán nhiều lần.
Ngoài ra, còn có trường hợp tài xế xe tải nghiện hút, cờ bạc nên thường lấy vỏ xe mới đem bán cho các garage rồi mua vỏ cũ thay vào. Do đó, các xe này khi lưu thông trên đường cao tốc, nguy cơ nổ lốp cũng rất cao.
Chính vì vậy, sau một năm rưỡi đưa vào sử dụng, trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xảy ra hơn 2.000 vụ nổ lốp xe dẫn đến hàng loạt tai nạn thảm khốc.
Nổ mới biết!
Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, lớp tạo nhám được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ lâu và cần thiết cho đường cao tốc để bảo đảm độ dính bám giữa vỏ xe với mặt đường cũng như đảm bảo độ dính bám khi phanh.
Đường cao tốc buộc phải có lớp tạo nhám, khi khai thác đòi hỏi sự đồng bộ cả đường với phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn. Xe có vỏ mòn, đắp vá hay chở quá tải không nên chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao
“Một ngày có đến 61.000 lượt xe lưu thông qua đường cao tốc nhưng chỉ có khoảng 4 vụ nổ lốp xe. Nếu chia ra, chúng ta sẽ thấy tỉ lệ nổ lốp xe không cao”, một cán bộ của Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM nói.
“Khi lưu thông trên đường cao tốc, người lái phải tập trung cao độ, phải biết rõ các quy định của đường cao tốc thế nhưng hiện nay nhiều tài xế chưa có được kỹ năng này”, vị này nói thêm.
Theo vị này, để hạn chế tai nạn xảy ra trong thời gian tới, Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên in cẩm nang hướng dẫn các quy định cần thiết cho tài xế khi lưu thông qua tuyến đường này.
Theo phân tích từ kết quả khám nghiệm hiện trường của Công an tỉnh Long An cho hay, xe tải nổ lốp trong vụ tai nạn vào ngày 13/6 có vỏ xe bị mòn bên trái, mất gai. Vào ngày 16/5/2011 chiếc xe này đã được kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường tại Trung tâm 5007V (TP.HCM).
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Lộc, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay, cánh tài xế xe tải thường ít quan tâm đến các dấu hiệu vỏ xe mòn, trừ khi đã quá rõ. Chính vì vậy sau khi lưu thông một quãng đường dài, khi đến đường cao tốc gặp lớp nhám mặt đường, nguy cơ nổ vỏ là rất cao.
Nói cách khác, lớp nhám mặt đường cao tốc chỉ là 'giọt nước tràn ly' khi mà vỏ xe mòn đã được sử dụng suốt một thời gian dài cho đến khi gặp sự cố.