Giá trị lịch sử và những bài học của Hội nghị quân sự Trung Giã

Hà Mỹ

(Dân trí) - Hội nghị quân sự Trung Giã diễn ra năm 1954 đã góp phần để Hội nghị Geneve đi đến ký kết văn bản về chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

Sáng 30/7, Bộ Quốc phòng phối hợp Thành ủy Hà Nội và Viện Lịch sử quân sự tổ chức Hội thảo khoa học 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - giá trị lịch sử và bài học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hoàng Sơn cho biết cùng với Hội nghị Geneve bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ, đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.

Sau 23 ngày đàm phán (trong các ngày 4-27/7/1954), Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Nhấn mạnh Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương, ông Sơn cho biết sự kiện này góp phần để Hội nghị Geneve đi đến ký kết các văn bản về chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

Giá trị lịch sử và những bài học của Hội nghị quân sự Trung Giã - 1

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra sáng 30/7 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Thanh Hải).

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Theo đó, Hội nghị Geneve đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, còn Hội nghị quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan đến quân sự.

Đặc biệt, Hội nghị đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Geneve đã quy định và tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hợp Trung ương.

Với kết quả đó, đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó đó là "phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược". 

Từ đó, góp phần vào thành công của Hội nghị Geneve và góp một trang đẹp vào pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam.

Giá trị lịch sử và những bài học của Hội nghị quân sự Trung Giã - 2

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và đại tá Lennuyeux tại Hội nghị Trung Giã (Ảnh: Tạp chí Life, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I sưu tầm).

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tìm giải pháp kết thúc chiến tranh.

Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương khai mạc tại Geneve (Thụy Sĩ). Để giải quyết các vấn đề quân sự trên thực tế chiến trường, Hội nghị Geneve đã thống nhất đại diện hai bộ tổng tư lệnh (Việt - Pháp) sẽ tổ chức đàm phán tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã gặp nhau tại Trung Giã.

Giá trị lịch sử và những bài học của Hội nghị quân sự Trung Giã - 3

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thanh Hải).

Trải qua hơn 20 ngày đàm phán, kết quả của Hội nghị Trung Giã kết thúc thắng lợi đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Geneve, giải quyết vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

"70 năm đã trôi qua, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong đối ngoại quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội nghị đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, được thành phố vận dụng xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay", ông Phong nhấn mạnh.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội mong rằng những tham luận và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa thắng lợi của Hội nghị quân sự Trung Giã đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô.

Đặc biệt là góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.