Hiệp định Geneve năm 1954: Mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Hiệp định Geneve được ký năm 1954 đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải.
Sáng 25/4, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024). Hội nghị được kết nối với đầu cầu của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh với Hiệp định Geneve, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng.
Hiệp định đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Sự kiện cũng đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; và mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
"Thắng lợi của Hội nghị Geneve trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Cùng với đó, thắng lợi của Hội nghị còn là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Đây cũng là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneve 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.
Việc này đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chia sẻ tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương cho biết ông may mắn được sống cùng ba của ông là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, nên ông được kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneve.
"Ba nói với tôi, Bác Hồ là người chín chắn, giàu kinh nghiệm, Bác đã dự đoán, Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva sẽ gặp những áp lực rất lớn, mặc dù chiến thắng Điện Biên phủ và sự chuyển hóa trong Chính phủ, Quốc hội Pháp là cơ hội thuận lợi cho ta nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào Hội nghị", Thiếu tướng Dương nói.
Nhắc lại chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là vừa đánh vừa đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Dương đúc kết Hiệp định Geneve là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó.
"Bác căn dặn ba của tôi, trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, Lào và Campuchia", con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại.
Chia sẻ cảm nghĩ tại buổi lễ, Đại sứ Lào tại Việt Nam KhamphaoErnthavanh nhấn mạnh sự kiện ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn của nhân dân ba nước Đông Dương, giành được hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.
Việc ký kết Hiệp định này là chiến thắng vĩ đại. Trong đó, thực dân Pháp và các nước tham gia Hội nghị lần đầu tiên cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước Đông Dương.
Bà KhamphaoErnthavanh khẳng định bài học về đấu tranh tại Hội nghị Geneve và kinh nghiệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc mạnh mẽ dẫn dắt cách mạng, đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch với giặc ngoại xâm và cùng giải phóng hoàn toàn ba nước Đông dương trong năm 1975.
"Trong suốt 70 năm qua, ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến sự tại Hội nghị Geneve vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển ba nước Đông Dương ngày nay", đại sứ KhamphaoErnthavanh nói.