1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia tăng chấn thương sọ não do không đội MBH

(Dân trí) - Mặc dù quy định đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường đã được áp dụng vừa tròn 1 tháng, nhưng tỉ lệ chấn thương sọ não trong khi tham gia giao thông vẫn lên tới con số hàng trăm người.

Cụ thể là từ ngày 15/12/2007 đến hết ngày 13/1/2008, tổng số ca tai nạn giao thông cấp cứu vào BV Việt Đức là 1.488 ca, trong đó có 821 trường hợp chấn thương sọ não. Đáng nói là có tới 236 ca chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.
 
Đội MBH không đúng cách dễ gây chấn thương sọ não
 
BS Cao Độc Lập, trưởng phòng khám bệnh BV Việt Đức cho biết, các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông không đội mũ bảo hiểm chiếm khoảng 1/4 trong các ca chấn thương sọ não. Như ngày 6/1, trong 31 ca chấn thương sọ não thì có tới 15 trường hợp không đội MBH. Ngày 13/1, có 47 ca thì 12 ca không đội MBH.
 
Tại phòng cấp cứu ngoại sáng nay (14/1) tiếp nhận 6 bệnh nhân tai nạn giao thông thì có 1 người không đội mũ.

Riêng ngày 13/1, tỷ lệ tai nạn giao thông tăng cao nhất. Trong tổng số 125 ca tai nạn vào viện cấp cứu có tới 95 ca tai nạn giao thông, trong đó chấn thương sọ não 47 trường hợp với 12 trường hợp không đội mũ.

BS Lập cảnh báo, phần lớn những trường hợp bị chấn thương sọ não dù có đội mũ thường do đội mũ không đúng cách, do đó khi bị va đập mũ trượt ra khỏi đầu nên phần trán, thái dương vẫn bị đập mạnh xuống đường gây chấn thương nặng. Mua phải MBH dởm cũng gây hậu quả tương tự.

BS Lập nhấn mạnh, loại mũ nửa đầu, mũ che thêm phần tai, gáy mà đại đa số người dân đang dùng chỉ phù hợp khi đi trên đường nội đô, với tốc độ chậm (khoảng 30km/h). Tức là nếu có va đập, ngã cũng ít bị ảnh hưởng. Phần lớn những bệnh nhân tai nạn giao thông cấp cứu ở Việt Đức bị chấn thương sọ não đều do đội mũ nửa đầu đi trên đường quốc lộ với tốc độ cao. Loại mũ cả đầu (còn gọi mũ có hàm) là đảm bảo an toàn nhất khi đi trên đường quốc lộ.

Tuy nhiên, nếu đi với tốc độ quá nhanh, không làm chủ tốc độ, va đập mạnh thì dù đội mũ cả đầu cũng khó bảo vệ tốt. Những người này thường bị đa chấn thương, ngoài sọ não còn cột sống, gãy tay, chân… và thương dẫn đến tử vong.

Sơ cứu chưa được xem trọng

Ngoài ra, một số trường hợp bị chấn thương đốt sống cổ, cột sống cực kỳ nguy hiểm nhưng lại không được chú ý khi sơ cứu, cấp cứu. Nếu bị chấn thương đốt sống cổ mà gỡ mũ không đúng cách, làm xê dịch đốt sống cổ có thể làm cho bệnh nhân tử vong hoặc nặng thêm, do bị chèn ép vào tủy sống, có thể gây liệt. Vì thế, khi có tai nạn, chưa xác định được bệnh nhân có bị chấn thương đốt sống cổ, cột sống hay không, vẫn cẩn thận giữ nguyên tư thế, có thể kê bao cát vào gáy để đầu không bị xê dịch rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo BS Lập, để giảm nguy cơ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, chỉ đội mũ bảo hiểm không đủ. Quan trọng là phải chọn loại mũ chuẩn, đội đúng quy cách.

Tuy nhiên, cũng có một tín hiệu đáng mừng từ thói quen đội mũ bảo hiểm của người dân. Đó là trước đây, trong các ca tai nạn giao thông thì có tới 50% là tai nạn sọ não, trong đó tỷ lệ chấn thương nặng, rất nặng là 25%, thì nay, tỷ lệ chấn thương sọ não nặng và rất nặng đã giảm xuống còn 15 - 16%.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp khi được cấp cứu vào viện có đội mũ bảo hiểm, dù mũ bảo hiểm bị xây xát, rạn nứt, thậm chí vỡ, hỏng nhưng không bị chấn thương sọ não, vùng đầu mà chỉ bị tổn thương đơn giản như gãy tay, chân…

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm