Gia nhập WTO quá nhanh, lợi ích thấp, nông dân không theo kịp
(Dân trí) - Việc thực hiện các cam kết WTO làm thâm hụt thương mại nước ta tăng thêm. Lợi ích của việc gia nhập WTO cho ngành nông nghiệp thấp hơn tiềm năng mong đợi do nước ta chưa chuẩn bị chu đáo khi hội nhập. Nếu không tái cơ cấu, xuất siêu nông nghiệp sẽ giảm.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải thực hiện hàng loạt các cam kết liên quan đến ngành nông nghiệp. Có tổng số 1.118 dòng thuế nông sản cam kết thực hiện trong thời gian từ 3-5 năm với mức cam kết bình quan tại thời điểm tham gia là 23,5%. Việt Nam cam kết thực hiện cắt giảm thuế 69 mặt hàng thuộc 15 nhóm mặt hàng lâm sản và cam kết điều chỉnh 159 dòng thuế thuộc 9 nhóm hàng thủy sản, với mức cắt giảm bình quân từ 32,2% tại thời điểm tham gia xuống còn 20,1%. Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản ngay từ khi gia nhập WTO.
Chưa khai thác hết tiềm năng
“Sau 6 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế cao trên thi trường nông sản thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, điều, cau su. Đặc biệt kim ngạch nông lâm thủy sản luôn xuất siêu và ngày càng tăng đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam”, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định tại hội thảo Công bố báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, được tổ chức sáng nay, 30/10 tại Hà Nội.
Tuy nhiên xét về thành tựu và thực lực của Việt Nam cũng như tiềm năng hội nhập quốc tế, chúng ta chưa khai thác hết được lợi thế do quá trình hội nhập đem lại. Lợi ích của việc hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho nền nông nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với tiềm năng thực tế, chính vì thế kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng thấp. Điều này do thiếu sự nghiên cứu, quá trình triển khai chưa có sự chuẩn bị đúng mức, việc thay đổi chính sách chưa bắt kịp với các cam kết cần thực hiện và thiếu vắng những hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đánh giá nghiên cứu, GDP của ngành nông nghiệp không ngừng tăng trong giai đoạn từ 2006-2012, song tốc độ tăng có xu hướng giảm đi: Giai đoạn 2006-2008 đạt 3,81%/năm nhưng giai đoạn 2007-2012 lại giảm nhẹ xuống mức 3,26%/năm.
Giá trị xuất khẩu toàn ngành tăng khá nhanh trong giai đoạn 2000-2012; tuy nhiên tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu giai đoạn 5 năm trước gia nhập WTO cao hơn so với 5 năm sau gia nhập với con số lần lượt là 18,4%/năm và 15,6%/năm.
“Chúng ta hội nhập với ước mong tăng cường thương mại. Tuy nhiên do thay đổi kết cấu bên trong còn chậm và việc chuẩn bị trước khi gia nhập chưa chu đáo nên mức độ thành công còn thấp, lợi ích từ gia nhập WTO còn thấp hơn thực tế,” TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nhận định.
Chúng ta đang hội nhập quá nhanh?
Đánh giá này cho thấy việc gia nhập WTO mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Việc mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc người sản xuất và kinh doanh phải đương đầu với những rủi ro và biến động trên thị trường thế giới.
Khi gia nhập WTO, giá nhiên liệu dầu mỏ và giá phân bón có xu hướng gia tăng, làm giảm tăng trưởng GDP nông nghiệp và giảm đầu tư. Chỉ có ngành khai khoáng được hưởng lợi khi giá nhiên liệu tăng. Ngành đánh bắt hải sản cũng bị tác động mạnh khi giá nhiên liệu tăng.
Khi xem xét các kịch bản về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ Tài Nguyên & Môi trường cho thấy khi áp dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH thì ngành nông nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất trong khi đó ngành công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.
“Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của nông nghiệp là tấm đệm không chỉ trong tăng trưởng kinh tế mà còn là trong sinh thái,” TS Sơn nhận định.
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng việc gia nhập WTO là tất yếu, bởi nếu không gia nhập chúng ta không thể có những đột phá trong xuất khẩu nông sản trong thời gian qua. Điều quan trọng là phải thay đổi cấu trúc bên trong của ngành nông để biến các thách thức thành cơ hội.
TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Hội Khoa học Phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng, sắp tới hội nhập sẽ đem lại nhiều cơ hội cho nông nghiệp nhất là trong lĩnh vực đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lĩnh vực thích ứng với BĐKH.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Liêm, đại diện Hiệp hội Mía đường, cho rằng chúng ta đã quá lạc quan khi đánh giá năng lực của mình khi gia nhập WTO. Mặc dù giảm nghèo giảm đáng kể, nhưng người nông dân trồng mía nghèo hơn. Lao động nông thôn có xu hướng dịch chuyển ra thành phố người ở lại nông thôn chủ yếu là người già, người trình độ kém nên khả năng tiếp thu kiến thức canh tác mới còn hạn chế. Chúng ta đang điều hành cơ chế thị trường theo cơ chế xin cho khi tiêu thụ nông sản, làm mất cơ hội tiêu thụ nông sản vì khi xin được giấy phép thì giá xuống. Việc cần thiết là phải điều chỉnh chính sách của ta phù hợp với WTO.
“Với ngành đường và một số ngành nông sản khác, chúng ta mở cửa với tốc độ nhanh hơn tính thích ứng của nền kinh tế và tính thích ứng về trình độ của nông dân. Chúng ta mở nhanh quá người nông dân không theo kịp. So sánh vì sao Trung Quốc và các nước thành công trong nông nghiệp khi hội nhập WTO vì họ có sự chuẩn bị năng lực cho nông dân tốt. Hội nhập thì tốt nhưng tốc độ hội nhập làm giảm các loại thuế nhập khẩu ở ta quá nhanh. Nên đàm phán lại để kéo dài quá trình hội nhập WTO bởi nếu chúng ta đi nhanh quá thì chúng ta sẽ trở nên yếu đuối,” ông Liêm đề xuất.
Còn theo TS Sơn, chúng ta phải hướng về nền nông nghiệp xuất khẩu. Có nhiều đề xuất chính sách được đưa ra nhưng ông cũng cho biết điều quan trọng là phải quyết tâm thực hiện.Báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện từ tháng 9/2012 đến tháng 10/2013. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam thực hiện đánh giá nhiều mặt tác động của WTO với nông nghiệp. Báo cáo đưa ra những đánh giá tác động đối với 3 nhóm ngành hàng đại diện cho các nhóm ngành hàng nông sản Việt Nam gồm: thủy sản – ngành hàng có sức cạnh tranh cao nhất, nhóm ngành sữa - có sức cạnh tranh trung bình và ngành mía đường – có sức cạnh tranh kém. |