1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia nhập TPP, Việt Nam không thể phát triển theo kiểu "dàn hàng ngang"

(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng sau khi gia nhập TPP, Việt Nam chắc chắn không thể phát triển mọi thứ mà buộc phải lựa chọn lĩnh vực thế mạnh. “Đến lúc phải đánh đổi, không phát triển hàng ngang được nữa đâu. Phải chọn thế mạnh của mình và theo tôi là có 5 lựa chọn”.

 

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Transerco.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Transerco.

 

Thảo luận về dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sáng nay 23/10, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam chắc chắn không thể phát triển mọi thứ mà buộc phải lựa chọn lĩnh vực thế mạnh.

“Đến lúc phải đánh đổi, không phát triển hàng ngang được nữa đâu. Phải chọn thế mạnh của mình và theo tôi là có 5 lựa chọn. Đó là nông nghiệp kỹ thuật cao; công nghệ thông tin; phát triển logistics, phát triển du lịch có trọng điểm; tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi giá trị ” - ông Lịch đánh giá.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế của ta hiện nay về quy mô, tiềm lực còn hạn chế mà nếu không liên kết ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Chính vì thế các chủ trương, đường lối về kinh tế, nghị quyết cần làm rõ và có tư tưởng chỉ đạo vào từng lĩnh vực chủ lực để phát huy tiềm năng của đất nước. “Việc xây dựng tư tưởng chủ đạo cho việc phát triển kinh tế chủ lực, tạo ra sản phẩm chủ lực thế nào nên nói rõ trong đường lối của Đảng”- ông Bình nói.

Tuy nhiên đến nay phương hướng chủ đạo cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như nền kinh tế tri thức như thế nào cũng chưa thấy trong dự thảo. “Để có môi trường bình đẳng ta phải chống độc quyền chứ không phải là kiểm soát độc quyền vì kiểm soát nghĩa là ta vẫn thừa nhận độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước sẽ giảm đến mức tối đa, chỉ giữ một vài doanh nghiệp nhà nước giao mà tư nhân chưa làm được nhưng ở đây ta lại chủ trương liên kết xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn, có sự tham gia góp vốn của tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp nửa nhà nước, nửa tư nhân thì hoàn toàn sai với định hướng này. Thu hút tư nhân vào như thế là lại để bành trướng trên thị trường, lại rải vốn của nhà nước khắp nơi thế thì không còn hiệu quả”- ông Bình nhấn mạnh.

Dẫn ra thực tế nền kinh tế đang dựa vào 3 yếu tố cơ bản là vốn, lao động và tài nguyên, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) phân tích: “Vốn của ta hiện đang rất khó khăn, bội chi ngân sách là nợ công đã đến ngưỡng. Lao động thì năng suất đang thấp gần nhất khu vực và thế giới. Tài nguyên thì ta khai thác rất mạnh suốt thời gian qua nên cơ sở để tiếp tục phát triển cho thời gian tới rất khó khăn”.

Từ đó ông Thường nhấn mạnh nhiệm kỳ tới cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu, chuyển từ lượng sang chất. “Việc này liên quan đến thay đổi tư duy, cách điều hành nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Cách mạng kinh tế và dịch vụ của Singapore những năm 1965, cách mạng khoa học công nghệ của Nhật Bản những năm 1950 đã đưa lại thành công cho các quốc gia này”- ông Thường nói.

Vừa qua Chính phủ có một số động thái là thoái vốn ở 10 doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Vinamilk - đơn vị sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Sau thoái vốn thì cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng liên tiếp 3-4 phiên chứng tỏ sự kỳ vọng vào hoạt động điều hành của nhà nước, thể hiện việc phát triển kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển kinh tế, doanh nghiệp nhà nước chỉ để thực hiện những nhiệm vụ nhà nước giao.

Ông Thường cho rằng sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là kém kiểm soát, điều hành mà là do bản chất mô hình doanh nghiệp nhà nước rất khó phát huy hoạt động, vậy nên nhà nước chỉ tham gia vào việc làm kinh tế khi lĩnh vực tư nhân không làm.

“Trong hay ngoài nhà nước làm giàu, làm lợi cho nhà nước đều phải được trân trọng như nhau”- ông Thường nói.

Thế Kha - Phương Thảo

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP