Kon Tum

Già làng A Hang và luật cho những người “phạm tội”

(Dân trí) - Để răn đe, bảo ban những người dân trong làng, ngoài hệ thống luật pháp quy định của nhà nước, già làng A Hang đã và đang duy trì, phát huy hàng loạt điều luật khá thú vị dành cho những người trong làng vi phạm.

Chỉ cách thị trấn Đăk Hà chừng 20km, xã Đăk Ui đã và đang được thay “áo mới” khi những ngôi nhà sàn dần được thay thế bởi các ngôi nhà gạch mọc lên san sát, kéo theo đó là những nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân nơi đây cũng dần biến đổi theo văn hóa của người Kinh. Vào làng, chúng ta sẽ ít được bắt gặp những chàng trai, sơn nữ trong trang phục truyền thống, bởi chúng đã bị lối thời trang tân thời  “đánh gục”. Ấy vậy mà tại làng Đăk Rem, một hệ thống luật làng khá nghiêm khắc mang đậm văn hóa của người Sơ Rá ở mảnh đất Tây Nguyên vẫn còn phát huy mạnh mẽ. Có được điều này, công đầu tiên phải kể đến đó là già làng A Hang (65 tuổi, làng Đăk Rem, xã Đăk Ui, Đăk Hà, Kon Tum) .

Đáng chú ý nhất đó là “luật hôn nhân và gia đình” của làng, bởi theo già Hang thì gia đình là nhân tố rất quan trọng của xã hội. Nhưng khi đời sống kinh tế càng phát triển thì giới trẻ trong làng càng sống buông lỏng, khiến hạnh phúc gia đình có nhiều nguy cơ đổ vỡ. Trong khi luật hôn nhân và gia đình giành chung cho cả nước chỉ dừng lại ở một khía cạnh riêng mà bộ máy công quyền có thể can thiệp như ly hôn, bạo hành gia đình… thì luật này ở Đăk Rem lại đi sâu, sát vào từng vấn đề nhỏ của mỗi cặp tình nhân hay vợ chồng.

Khi bất kì đôi trai gái hay cặp vợ chồng có biểu hiện phản bội nhau, cho đến tự mình làm tổn hại danh dự của bản thân đều bị già Hang mang ra xử theo luật. Để vừa góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ, vừa làm bài học răn đe cho bản thân, cho những người dân trong làng. “Bây giờ kinh tế phát triển hơn, trai, gái thường làm bậy bạ rồi bỏ nhau làm cho người phụ nữ bị khổ nhiều hơn, nên mình phải phạt họ để giáo dục, để họ biết không nên làm vậy nữa”, già Hang cho biết.

Và theo luật làng thì chỉ những người trong làng vi phạm bị phạt, mà những người làng khác gây “thiệt hại” cho người làng Đăk Rem cũng đều phải chịu “tội” theo luật của già Hang. “Nếu trai, gái ở làng khác quan hệ với trai, gái ở làng mình mà bị phát hiện hoặc có thai trước khi cưới thì làng mình và làng đó sẽ họp lại để đưa ra các biện pháp giáo dục, khuyên nhủ và cả án phạt để cho những người khác phải sợ. Theo quy định thì nhà trai phải nộp phạt con heo 20kg, nhà gái phải nộp phạt con heo 20kg cho làng. Ngoài ra, họ còn phải nuôi cơm, nuôi cơm, nuôi rượu già làng và tổ hòa giải đến xử phạt”, già Hang kể.

Gìa Hang kể chuyện về làng Đăk Rem
Gìa Hang kể chuyện về làng Đăk Rem

Những án phạt nặng nhất phải kể đến đó là những “điều luật” giành cho các cặp vợ chồng. Nếu chồng đánh vợ chưa bị chảy máu thì chồng bị phạt 1 con gà, nếu chảy máu thì người chồng bị phạt một con heo khoảng 40kg nộp cho bên cha mẹ nhà vợ. Ngoài ra, người chồng phải làm cơm, mua rượu cho già làng và tổ hòa giải ăn trưa. Còn nếu người chồng hoặc người vợ đi ngoại tình bị phát hiện thì sẽ bị mang ra nhà rông xử cả ngày. Già Hang sẽ chủ trì buổi xử phạt, cùng tổ hòa giải là các cán bộ chính quyền địa phương để đòi lại công bằng cho người còn lại.

Theo đó, người nào ngoại tình sẽ phải chịu sự giảng giải của già Hang về luật hôn nhân và gia đình, phải chuẩn bị bữa cơm trưa, cơm chiều và rượu cho già làng và tổ hòa giải. Ngoài thủ tục bắt buộc phải có này, thì người ngoại tình phải chịu nộp phạt 1 con bò lớn và một ghè rượu cho gia đình vợ, hoặc chồng. Già Hang quả quyết:“Nó vi phạm thì nó phải chịu phạt thôi. Nếu đã ngoại tình rồi mà đến lúc bị làng xử phạt mà người đó không có để nộp phạt thì bắt buộc phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về mua bò, rượu để nộp phạt. Mình đã quy định như thế nào thì nó phải làm theo thôi, không làm theo là không được”.

Không chỉ có những án luật nghiêm khắc trong luật hôn nhân và gia đình, mà trong nhiều lĩnh vực từ an ninh, văn hóa, xã hội… của làng, già Hang đều có những án luật riêng để răn đe những người vi phạm. Trong đó không thể không kể đến đó là tội trộm cắp. Với người Sơ Rá thì trộm cắp là điều rất đáng khinh. Vì vậy, trong làng nhà nào chỉ cần mất một con gà thì đó cũng là “trọng án” của làng. Mọi người dân sẽ cùng nhau truy tìm thủ phạm, và khi đối tượng bị phát hiện thì ngay lập tức sẽ bị dẫn giải đến nhà Rông cho già Hang xét xử. Ngoài phải đền lại cho gia đình bị hại những tài sản đã trộm, thì đối tượng còn phải chịu phạt nuôi cơm tổ hòa giải, phải nghe những điều luật của già Hang và nhất là bị cả làng chê cười: “Nếu trộm gà thì trả gà, trộm heo thì trả heo… cho nhà bị mất, và còn phải nộp phạt cho tổ hòa giải 1 con để làm thịt ăn”, già Hang cho biết.

Chính vì có những điều luật khá khắt khe và bám sát vào cuộc sống hàng ngày của những người dân, mà người dân làng Đăk Rem từ trước đến nay sống rất hòa nhã và hiếm có người vi phạm. “Kinh tế và danh dự là điều rất quan trọng đối với mỗi người dân trong làng. Mình nói mà không làm gì thì có người sẽ không biết sợ và sữa chữa. Nên mình phải làm nặng như vậy họ mới biết xấu hổ, mới biết lo lắng để không được tái phạm. Nếu đã nghèo thì phải lo làm ăn, lo cho gia đình chứ sao lại hư hỏng được. Vì vậy, mình phải phạt để cho nó hiểu, nó không có tiền đền thì phải cố gắng đi làm thuê mà đền thôi, không tuân theo luật làng thì sẽ bị mọi người khinh chê, và sẽ giao cho công an xã nên ai cũng sợ cả”, già Hang bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bảy- Trưởng Công an xã Đăk Ui cho biết: “Cả xã có 13 thôn và thôn Đăk Rem là một trong những thôn người dân sống rất hòa nhã. Đặc biệt là già làng A Hang là già làng rất thông minh, sáng suốt và nghiêm khắc. Già luôn duy trì được những điều luật của mình đối với người dân trong thôn, nên ai cũng kính nể và nghe theo già”.

Thiên Thư