1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh  Hóa:

Gia đình truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương

(Dân trí) - Hơn 30 năm qua, gia đình ông Lâu Văn Hự cùng các con ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã tự nguyện nhận trông coi cột mốc G8 trước đây, nay là cột mốc 304, trên đỉnh núi Đá Đỏ - một trong những đỉnh núi cao nhất nơi “Cổng trời”.

Anh Lâu Văn Lâu, con trai ông Lâu Văn Hự chia sẻ việc trông coi cột mốc.

Giữ hồn thiêng của Tổ quốc

Trong căn nhà nằm ở lưng chừng núi, già Hự năm nay đã ở tuổi 96, vào mỗi buổi sáng khi ánh bình minh vừa lên, già lại hướng mắt nhìn xa xăm về đỉnh núi Đá Đỏ. Nơi đó, suốt hàng chục năm ròng rã, nhịp bước chân đều đặn của già đã vượt núi băng rừng lên chăm sóc, nắm tình hình cột mốc G8.

“Để đến được với cột mốc, từ chân núi Pù Đứa vượt quãng đường dài gần 14 km luồn rừng, vượt dốc. Có cả thảy 15 khe suối phải vượt qua, trong đó có 2 con suối lớn là suối Dục và suối Tiền Sen. Bên cạnh đó, cũng có 4 đỉnh núi cao cần phải chinh phục là Tơ Lưng, Đá Đen, Pù Lậu và đỉnh núi thác Đá Đỏ. Ngọn Đá Đen đặc biệt nguy hiểm với vách đá tai mèo dựng đứng dài gần 5 km” – già Hự kể.

Gia đình truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương - 1

Già làng Lâu Văn Hự đã dành cả nửa cuộc đời để chăm sóc, bảo vệ cột mốc G8.

Vậy mà, hơn 30 năm qua, đều đặn mỗi tháng 2 lần, già Hự đã một mình khăn gói lên cột mốc không quản đường núi hiểm trở, thời tiết nắng mưa hay lạnh giá. Đến nay, khi đôi chân ấy không còn khỏe, tuổi tác đã cao, chặng hành trình của cụ mới chịu dừng lại. Bước chân ấy giờ đây lại thay thế bằng con trai cụ- anh Lâu Văn Lâu.

Dẫu vậy, sâu thẳm trong tâm trí của già vẫn hướng về G8 bằng một tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý. Để rồi, mỗi khi nhắc đến cái tên G8, những ký ức lại ùa về.

Năm 1978, già Hự cùng với gia đình thực hiện chủ trương của Đảng, từ đỉnh núi cao ở xã Pù Nhi, "hạ sơn" gần với suối Ngố, để thành lập bản định cư, canh tác ổn định đời sống. Năm 1980, lại một cuộc “hạ sơn” nữa. Lần này, gia đình già Hự cùng với 5 hộ khác thành lập nên bản Pù Đứa rồi cùng nhau ổn định cuộc sống cho đến ngày nay.

Gia đình truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương - 2

Ngày già Hự còn khỏe, đều đặn một tháng 2 lần, già đều vượt gần 15 km đường rừng với nửa ngày đi bộ để lên với cột mốc (Ảnh: tư liệu).

Già cho biết, năm 1984, sau những lần vượt đèo, lội suối, lên đỉnh Đá Đỏ cao hơn 1.889 m so với mực nước biển, lần đầu dừng chân bên cột mốc, nơi khẳng định chủ quyền đất nước, già Hự tự nhủ, mình phải làm điều gì đấy để phụng sự Tổ quốc.

Với suy nghĩ ấy, già Hự lập tức xuống đồn biên phòng tình nguyện đăng ký tham gia được trông coi cột mốc G8. Trước chỉ huy đồn, già Hự dõng dạc hứa: “Sẽ chăm sóc G8 như người thân trong gia đình” và được chỉ huy Đồn Biên phòng đồng ý. Từ đó, mỗi khi lên kiểm tra cột mốc, nhận biết được điều gì bất thường, già Hự lại trở về báo cáo với Đồn biên phòng.

Già kể, có lần trên đường lên cột mốc, phát hiện người dân trồng cây thuốc phiện gần cột mốc, già Hự quay về báo cáo để cán bộ, chiến sĩ biên phòng biết tình hình và lên tuyên truyền vận động phá bỏ cây thuốc phiện.

Một lần khác lên thăm cột mốc phát hiện cột mốc bị sứt một mảng lớn, già Hự về báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Ngay sau đó, đồn cử chiến sĩ lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc.

Truyền lửa cho đời con

Năm 2016, khi biết mình tuổi cao, sức đã yếu, không thể vượt núi, băng rừng đến cột mốc G8 nữa, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho con trai cả là anh Lâu Văn Lự.

Già gọi anh Lự đến nói: “Nay ta đã già không còn lên được G8, con hãy thay ta lên G8 để chăm sóc cột mốc, làm những việc mà ta đã làm”.

Gia đình truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương - 3

Anh Lâu Văn Lâu tự hào kể về cha mình và nhiệm vụ nối tiếp truyền thống của gia đình bảo vệ cột mốc biên cương.

Anh Lâu Văn Lự nghe lời cụ, hằng tháng lại một mình lên cột mốc. Nhưng rồi, một căn bệnh quái ác ập tới, anh Lự đã không thể lên cột mốc được nữa. Sau khi Lự mất, già Hự lại gọi anh Lâu Văn Lâu người con thứ 5 trong gia đình đến để dặn dò tiếp tục thay bố và anh bảo vệ cột mốc G8.

Gần 3 năm nay, sau khi nhận nhiệm vụ truyền lại từ cha, anh Lâu Văn Lâu mỗi tháng 2 lần lại băng rừng, lội suối lên đỉnh núi Đá Đỏ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc. Cột mốc này được coi như một phần cuộc đời của cha anh- cụ Lâu Văn Hự đã dành nửa cuộc đời để bảo vệ, chăm sóc như người thân của gia đình mình.

“Việc chăm sóc bảo vệ cột mốc là tâm huyết của cha tôi. Sau khi cha tôi sức khỏe yếu đã giao lại cho anh trai tôi, thế nhưng anh trai tôi lâm bệnh qua đời, nhiệm vụ ấy lại được giao lại cho tôi. Tôi đã hứa với cha tôi rằng sẽ làm đúng như những gì mà hơn 30 năm qua cha tôi đã làm” – anh Lâu chia sẻ.

Thiếu tá Lê Thế Chiến, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: “Cột mốc 304 được xem là cột mốc cao, xa và khó đi nhất, phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy (cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào). Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tập trung tuyên truyền nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ đường biên cột mốc.

Trong đó, già Hự ở bản Pù Đứa đã dành gần như trọn cuộc đời, gắn tình yêu thương với trách nhiệm cao cả là bảo vệ mốc giới biên cương Tổ quốc. Hiện nay, già tuổi cao sức yếu, con của già là anh Lâu Văn Lâu đang tiếp nối tự nguyện bảo vệ đường biên mốc giới”.

“Việc làm của già Hự và các con suốt hơn 30 năm qua, tuy bình dị nhưng rất đỗi cao quý, bằng tình cảm và tình yêu Tổ quốc, đã và đang góp phần với cán bộ, chiến sĩ biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” – Thiếu tá Chiến chia sẻ.

Bình Minh