Cả bản cùng nhau bảo vệ... “của trời cho”
(Dân trí) - Bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) là một bản người Thái, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 150 km về phía Tây. Đồng bào nơi đây có một tục lệ rất đặc biệt để bảo vệ đàn cá tự nhiên sinh sống trên sông Luồng.
Theo anh Lò Văn Thắng, Phó bản Ngàm, xã Sơn Điện, cả bản có 75 hộ với 378 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái (90%), còn lại là bà con dân tộc Mường.
Từ 3 năm nay, trước nguy cơ các loài thuỷ sản cạn kiệt do nạn đánh bắt bừa bãi, người dân bản Ngàm đã họp và thống nhất cấm đánh cá trên sông Luồng. Khúc sông có chiều dài khoảng 3km được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được phép ra khúc sông cấm đánh cá nếu chưa có sự đồng ý của bản.
Quy ước này được người dân bản nhất trí để phục vụ mục đích làm du lịch cộng đồng của bản. Theo bà con dân bản, trên sông Luồng thường có các loại cá như cá mài, cá dốc, cá trôi sông Hồng.
Trước đây, bà con đánh bắt bằng cách quăng chài, thả lưới, ai thích đi thì mang đồ nghề xuống sông đánh bắt. Mỗi lần đánh bắt cũng đủ cái để ăn, thậm chí có để bán kiếm thêm chút thu nhập.
Tuy nhiên, theo quy ước của làng, hiện nay chỉ có ngày lễ, ngày Tết thì mới tổ chức đánh bắt cá về ăn chung và chia đều cho từng hộ. Bà con chỉ dùng dụng cụ đánh bắt thô sơ như chài, lưới. Các hình thức đánh bắt huỷ diệt như kích điện hay nổ mìn đều bị cấm.
“Mỗi lần đánh bắt có khi được hơn một tạ cá. Nếu quá trình đánh bắt được con nhỏ thì thả lại sông; những con to nhất khoảng 2 - 3kg”, anh Thắng cho biết.
Mỗi khi đi đánh bắt, những thanh niên trai tráng trong bản chèo bè mảng ra sông để săn cá. Đây chủ yếu là nguồn cá tự nhiên, thi thoảng bà con cho ăn thêm ít cơm nguội, mì tôm. Có những thời điểm, cho ăn còn nhìn thấy đàn cá dưới sông.
Do sinh sống trong môi trường tự nhiên, ít chịu tác động của con người nên cá trên sông Luồng rất ngon, thịt dai và chắc. Món cá nướng, chả cá hay cá nộm hoa chuối được coi là đặc sản của đồng bào Thái ở bản Ngàm.
Tuy nhiên, sau trận lũ lụt kinh hoàng trên sông Luồng vào tháng 3 năm 2019 khiến nước sông Luồng dâng cao kèm theo các loại củi, gỗ nên cá bị cuốn trôi. Theo kinh nghiệm của bà con, phải mất vài ba năm sau thì nguồn cá mới phục hồi lại được.
Trước đó, vào năm 1996 cũng từng xảy ra tình trạng lũ lụt trôi hết cá, phải mất nhiều năm sau, nguồn cá trên sông mới dần hồi phục và đông đúc trở lại bình thường.
Sau khi có quy ước của làng, nếu lần đầu bắt được người dân đánh cá trong khu vực cấm sẽ phạt 500 nghìn đồng và thu lưới. “Từ khi có quy ước, bà con ai cũng đồng thuận. Chủ yếu là người dân đồng tình thôi, nếu không mình có đề ra cũng không thể thực hiện được”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Hiện nay, công tác phát triển du lịch tại bản Ngàm đang dần hoàn thiện. Khi đến đây, khách du lịch nếu có nhu cầu còn được tổ chức đi soi bè đánh cá trải nghiệm trên sông Luồng.
Ông Lê Văn Sáng (65 tuổi), người dân bản Ngàm chia sẻ: “Bản có quy ước, hương ước xây dựng nông thôn mới, đoạn sông hơn 2km qua bản là cấm đánh bắt, chúng tôi rất chấp hành. Việc cấm không ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Chỉ cấm đoạn sông gần làng, còn đi xa thì bà con vẫn đánh bắt bình thường”.
Duy Tuyên