Gia đình bốn thế hệ nối tiếp nghề may cờ Tổ quốc
(Dân trí) - Những lá cờ do gia đình anh Nguyễn Văn Phục (làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) may đã xuất hiện trên phố phường Thủ đô khi cách mạng Tháng Tám thành công, rực rỡ trên quảng trường Bà Đình trong ngày ngày Độc lập của dân tộc 2/9/1945. Hơn 70 năm qua, 4 thế hệ gia đình anh Phục vẫn duy trì nghề truyền thống.
Chính gia đình anh Phục được chọn đặt may lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, để treo trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Cho đến nay, gia đình anh Phục vẫn duy trì công việc may cờ hàng ngày.
Chị Duyên, vợ của anh Phục, cho biết kể từ khi về làm dâu gia đình, chị cũng bắt đầu học nghê may cờ, đến nay đã trở thành một thợ làm cờ thành nghề.
Mỗi khi gần đến dịp Quốc khánh, cũng là mua khai giảng, lượng đặt hàng may cờ tăng mạnh, gia đình anh Phục thường phải làm việc hết công xuất.
Để tăng năng xuất, gia đình anh Phục đầu tư một máy cắt vải công nghệ laze. Chiếc máy trị giá gần 200 triệu đồng giúp công việc may cờ nhanh hơn nhiều lần.
Cờ được may bằng vải satanh, nhập từ La Cả (La Khê, Hà Đông). Những chi tiết khác như tua, chỉ... được mua từ làng Triều Khúc.
Mỗi lá cờ, dù cỡ to hay nhỏ, đều phải được làm với tỷ lệ kích cỡ chuẩn, chiều dọc bằng 2/3 chiều ngang.
Không những tạo việc làm cho cả gia đình, xưởng may cờ của anh phục còn tạo việc làm cho 10 nhân công trong làng.
Đối với cờ cỡ nhỏ, ngôi sao vàng được in bằng sơn thay vì thêu riêng như những lá cờ cỡ lớn.
Việc may cờ phải được làm chính xác ngay từ công đoạn cắt vải. Chỉ cần một đường cắt lệch, lá cờ phải loại bỏ.
Ngoài cờ Tổ quốc, gia đình anh còn may cờ Đảng, băng rôn, khẩu hiệu…
Không dừng lại ở đời thứ 4 làm nghề may cờ, anh Phục định hướng con trai cũng sẽ nối nghề. Theo anh, đây là công việc có ý nghĩa lớn, là tự hào của gia đình.
Toàn Vũ