1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Gia đình bệnh nhi chết vì viêm ruột thừa khiếu nại

Sau khi chu tất việc hậu sự, gia đình cháu Bích Loan - bệnh nhi đã tử vong do Bệnh viện Đa khoa Bình Định <a href="http://dantri.com.vn/suckhoe/2007/3/171922.vip">chậm chẩn đoán và điều trị</a> viêm ruột thừa - đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế.

Theo đơn khiếu nại, sáng 6/3, Loan đau bụng dữ dội, được đưa vào viện cấp cứu. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, thấy bác sĩ không cho dùng thuốc gì trong khi bệnh nhân càng lúc càng đau, gia đình sốt ruột xin chuyển ra Phòng khám đa khoa ở 38 Lê Lợi. Tại đây, sau khi siêu âm màu 3 chiều, bác sĩ kết luận cháu Loan bị viêm ruột thừa và cần phải nhập viện gấp để mổ.

 

Khi cháu Loan vào lại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, các bác sĩ cứ để bệnh nhân nằm chờ. Người nhà hỏi thì được trả lời là “cháu bị viêm tụy nên từ từ chữa” mà không đề cập gì đến triệu chứng viêm ruột thừa. Sáng 9/3, gia đình nhận giấy báo tử trong đó nguyên nhân gây chết người là sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng do ruột thừa vỡ mủ.

 

Giải thích về cái chết này, lãnh đạo và các bác sĩ bệnh viện cho rằng đây là một ca bệnh khó, cần làm đầy đủ các xét nghiệm lâm sàng về tụy, thận, bởi mổ không đúng thời điểm sẽ làm bệnh nặng thêm. Họ cũng cho rằng cháu Loan đã bất hợp tác với bác sĩ bởi bác sĩ chạm vào điểm nào trên người cháu cũng kêu đau, không có điểm đau nào cố định.

 

Giải thích việc bệnh viện không lưu tâm đến kết quả siêu âm của phòng khám tư 38 Lê Lợi, bác sĩ Trương Công Tín, người trực tiếp chẩn đoán, điều trị cháu Loan, nói: “Không phải người ta chẩn đoán viêm ruột thừa rồi vô đây là mình cũng chẩn đoán viêm ruột thừa. Là người trực tiếp mổ phải có chẩn đoán chắc chắn, làm các xét nghiệm thật chính xác”. Theo bác sĩ Tín, cháu Loan có tỷ lệ Amilaza cao, biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm tụy, với bệnh này nếu mổ thì rất không tốt.

 

Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, siêu âm màu 3 chiều rất dễ dàng nhận ra triệu chứng của viêm ruột thừa. Nếu bác sĩ cho rằng kết quả siêu âm ở chỗ khác không đủ độ tin cậy thì việc cần làm đầu tiên là phải siêu âm lại để kịp thời xác định bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp cháu Loan, bệnh viện lại cho xét nghiệm chức năng thận, tụy - một điều chưa thật sự cần thiết vì ngay trước khi vào viện, tỷ lệ Amilaza trong máu của cháu Loan được xác định là bình thường. Nếu bệnh viện cho rằng đây là ca bệnh khó, lẽ ra cần tổ chức hội đồng y khoa để hội chẩn.

 

Ngày 26/3, Bệnh viện Bình Định đã đề nghị Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra để làm rõ và có kết luận về trường hợp tử vong của bệnh nhân Huỳnh Nguyễn Bích Loan; đồng thời xem xét đúng sai của nhân viên trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân Loan.

 

Theo Thanh Niên