1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá đất điều chỉnh khi biến động: Khác gì giá xăng!

(Dân trí) - “2 phương án xây dựng bảng giá đất Chính phủ đưa ra, hướng định kỳ 5 năm quá dài; điều chỉnh khi có biến động 20% lại dễ bị… làm giá” - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý “lắc đầu” với đề xuất trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Chính phủ đưa ra 2 hướng thiết kế quy định về bảng giá đất. Phương án 1, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng.

Phương án 2, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.

Trong khi UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) tán thành phương án 2, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn bày tỏ “chưa hài lòng với cả 2 phương án.
 
Giá đất điều chỉnh khi biến động: Khác gì giá xăng!

Ông Lý phân tích, khi xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu thì nhà nước phải chủ động tạo mặt bằng để phát triển thị trường. Phương án không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá cả biến động tăng, giảm 20%, ông Lý cho rằng sẽ là bị động, thả nổi, luôn phải chạy theo thị trường.

“Quy định như vậy, đất đai sẽ không khác gì giá xăng dầu hiện tại, cứ trong hạn 60 ngày, thị trường có biến động thì HĐND tỉnh phải điều chỉnh theo. Trong thực tế vẫn có hiện tượng đầu cơ, làm giá thì cách làm này sẽ khắc phục thế nào?” – ông Lý nêu giả thiết.

Phương án 2 quy định xây dựng bảng giá đất 5 năm 1 lần Chủ nhiệm UB Pháp luật lại “phê” là quá dài, chỉ có thể thực hiện trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường, ổn định. Tuy nhiên, thực tế, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đầy biến động, mức “cứng” 5 năm, theo ông Lý, quá thiếu sự mềm dẻo, cũng không hợp lý.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phân tích, ở phương án 2, bảng giá đất chỉ có ý nghĩa với việc thu lệ phí thì có thể chấp nhận được nhưng để đền bù, bồi thường cho người dân khi thu hồi đất thì nhất định không được. Lý do ông Hùng chỉ ra là thực tế, từ khi xây dựng, công bố quy hoạch, dự án, diện thu hồi đến khi thực hiện đền bù, giá đất tại cùng khu vực đó đã biến động khác hẳn. Người dân đòi hỏi bồi thường theo giá thị trường là thị trường ở thời điểm nhận tiền, giao đất.

“Làm lại quy định giá đất mới như này cũng chưa ổn vì giá đất mỗi khu vực (đô thị, nông thôn, đất thổ cư, đất trồng trọt, đất ao hồ… ) rất khác nhau, chỉ áp dụng cùng một công thức như nhau thì luật ra khó thực hiện, sẽ phải hướng dẫn tiếp” – Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Ông Hùng lưu ý, giá đất phải căn cứ vào mục đích sử dụng tức là kết quả sinh lợi của mảnh đất tại thời điểm đó, sau đó là căn cứ theo giá thị trường rồi căn cứ giá thu thuế. Xác định mức thấp để giá thu thuế thấp thì dân chịu nhưng nhà nước thiệt, còn để đền bù thì nhất định không để người dân thiệt thòi. Người đứng đầu Quốc hội cũng dẫn chứng thực tế, luật Đất đai hiện hành có nghị định hướng dẫn cách xác định điều chỉnh giá đất bồi thường có thể bằng 3-5 lần quy định mà nhiều nơi người dân vẫn chưa chịu vì giá đó vẫn chưa bằng giá thị trường.

“Phải làm thật cẩn thận để áp dụng được. Thử đọc một điều khoản lên xem có áp dụng được không? Thực sự, tôi đọc nhiều điều ghi trong này xong cũng không biết phải thực hiện thế nào, mà cứ cố thực hiện theo hướng quy định đó thì nhất định là người dân không chịu rồi” - Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Trước mắt, ông Hùng yêu cầu ban soạn thảo nên tập trung làm rõ các nội dung trong dự án theo hướng cụ thể hơn để áp dụng được ngay. “Cơ quan soạn thảo nói chỉ có 5 nghị định, tôi không tin. Rồi thông tư sẽ nhiều lắm. Ban hành luật mà có tới 300 - 400 văn bản hướng dẫn là không được” - ông Hùng nhắc. Ông Hùng nhận định, nhìn vào bản dự thảo hiện nay, chỉ riêng các vấn đề như định giá đất, đền bù giải tỏa… là đã phải có rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn mới thực hiện được. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn.

Về lộ trình hoàn thiện, dự kiến dự thảo luật sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 1/2 cho đến hết 31/3. Sau đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu chọn lọc ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ sau đó sẽ trình ra QH tại kỳ họp tháng 5.
 

Theo dự thảo Nghị quyết của UB Thường vụ QH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung xin ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu góp ý kiến.

Ở Trung ương, cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến theo khu vực, từng vùng thông qua các hội nghị lấy ý kiến. UB TƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận; TƯ Hội Nông dân Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án Luật. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan gửi đến UB Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và UBND cấp tỉnh tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án Luật gửi đến UB Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân gửi về UB Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

UB Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án Luật.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 1/2/2013, kết thúc vào 31/3/2013.

P.Thảo