Gia chủ Thanh Hóa làm vườn hồng hơn trăm gốc tặng người thân
(Dân trí) - Từ số lượng ban đầu khá khiêm tốn, sau 6 năm chinh phục, anh Phúc đã sở hữu vườn hồng hàng chục gốc với đủ giống khác nhau, tạo không gian sống tràn đầy hương sắc.
Anh Nguyễn Ngọc Phúc (sống tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) bắt đầu trồng hoa hồng từ năm 2015. Anh mong muốn tạo nên không gian sống tràn ngập hương sắc để mỗi ngày tỉnh dậy, các thành viên trong gia đình đều được ngắm nhìn những bông hoa nở rộ, giúp tinh thần sảng khoái và đầy năng lượng hơn.
Thời gian đầu làm vườn trồng hoa hồng, anh Phúc phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc "nữ hoàng của các loài hoa". Cây thường gặp các vấn đề về sâu bệnh, nấm lá như phấn trắng, bọ trĩ, nhện đỏ,... Chưa kể những giống cây đầu tiên anh trồng là hồng ngoại thân leo đều nở ít hoa.
Không nản chí, gia chủ liền lên mạng, tham gia các hội nhóm trồng hoa hồng để học hỏi kiến thức từ những người có cùng đam mê. Khi đúc kết được kinh nghiệm từ thực tế, anh biết cách xử lý, chăm sóc hoa để cây thích nghi. Sau mội thời gian, cây phát triển khỏe mạnh, nở hoa đẹp, tạo thành vườn hồng tràn ngập hương sắc.
Anh Phúc cho biết, một yếu tố rất quan trọng nhất trong việc trồng hoa hồng chính là chọn vị trí cho cây. Hoa hồng là giống ưa nắng và cần không gian thoáng gió. Chỉ khi trồng ở những nơi thích hợp thì cây mới sống khỏe, phát triển nhanh và nở hoa đẹp.
Để trồng trọt và chăm sóc thuận lợi, anh Phúc cũng tìm hiểu và mua thêm những giống cây khỏe, có sức sống mạnh mẽ, phát triển nhanh và cho hoa quanh năm như hồng leo abraham darby, pompadour, bishop castle, moncoeur và đặc biệt là hồng cổ Hải Phòng (don juan).
Ngoài ra trong vườn còn có nhiều giống hồng bụi khác nhưng đẹp và thơm nhất là lafont, masora, double delight, juliet, catalina, shell, ranger royer, autumn roger, jubilee celebration.
Sau 6 năm theo đuổi đam mê, làm đẹp không gian sống, chủ nhân khu vườn cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc để hoa hồng phát triển khỏe mạnh, nở hoa quanh năm.
Về giá thể, anh Phúc thường trộn 30% đất phù sa (hoặc đất vườn) với 40% trấu hun, 30% xơ dừa và nấm đối kháng trichoderma. Vì trấu và mùn dừa cũng là phân hữu cơ nên anh không cần bổ sung thêm phân bón. Đất trồng phải đảm bảo sạch mầm bệnh, thoát nước tốt và đủ dinh dưỡng để cây khỏe, cho năng suất cao.
Cây hồng thường bị bệnh phấn trắng, vàng lá, trĩ, nhện, rệp, sáp, vảy… nên anh Phúc chọn cách "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Nếu cây bị bệnh, anh thường dùng thuốc gốc đồng như Coc85, Anvil 5sc. Đối với các loại sâu bệnh, chủ nhân khu vườn sử dụng dầu khoáng sinh học không độc hại là sk99.
Ngoài ra, anh sử dụng chế phẩm sinh học rồi phun cho cây vào lúc chập tối, tránh thời tiết mưa to, gió lớn. Cần phun kĩ dưới mặt lá, phun từ trên ngọn trước rồi mới xuống thấp để phòng và trị sâu, nấm bệnh cho cây. Mỗi tháng phun một lần, nếu cây gặp tình trạng nặng thì phun 1 tuần/lần.
Gia chủ cũng thường pha chung dầu khoáng với thuốc trừ bệnh, trừ sâu sinh học để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cho cây. Dầu khoáng có tác dụng rất tốt trong việc tiêu diệt sâu bệnh trĩ, nhện, rệp. Chúng khiến côn trùng bị kết dính lại và chết hay làm ung trứng để sâu bệnh không thể sinh sôi.
Ngoài trang trí nhà cửa, tô điểm không gian sống, anh Phúc còn sử dụng các loại hoa hồng có mùi thơm như lafont, autumn rouge, double delight,... để ướp trà.
"Mình dùng túi lưới hay bọc quả để tránh sâu bọ rồi cho trà vào túi. Còn hoa hồng thì bỏ xuống đáy lọ đựng trà. Cho túi trà vào lọ, đậy nắp kín lại, ủ trong khoảng 2 ngày ở nơi thoáng mát. Sau đó lấy trà ra sử dụng và bỏ hoa hồng đi để tránh ẩm mốc. Nhờ đó mà trà có mùi rất thơm, pha nước uống khá dễ chịu và thư giãn", gia chủ chia sẻ.
Mặc dù chăm sóc hồng khá vất vả, tốn nhiều công sức nhưng nhìn thành quả là khu vườn tràn ngập các loại hoa với màu sắc rực rỡ khiến anh Phúc có thêm động lực gắn bó hơn. Mỗi ngày, ngắm nhìn hoa trong vườn khoe sắc, anh và các thành viên trong gia đình cảm thấy tràn đầy năng lượng và yêu đời hơn, xua tan mọi căng thẳng, mệt mỏi.