1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia cảnh khốn cùng của 5 nạn nhân ngộ độc nấm

(Dân trí) - “Đến tiền triệu nhà còn chưa có thì lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu bây giờ? Hôm qua gặng mãi mới được một người thân thương tình cho mượn 1 triệu. Hết số tiền đó, tôi không biết xoay ở đâu nữa. Không đành cho hai mẹ con về nhà chờ chết...”.

Như Dân trí đã thông tin, sau khi lên rừng hái nấm về ăn, 5 nạn nhân ở Võ Nhai - Thái Nguyên đã bị ngộ độc nặng. Hiện tình trạng các nạn nhân vẫn còn nguy kịch, đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Các bệnh nhân gồm ông Triệu Nho Phú (57 tuổi), bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi, vợ ông Phú); chị Lý Thị Thơm (35 tuổi), cháu Lý Minh Khôi (13 tuổi, con trai chị Thơm) và cháu Lý Thị Thùy (15 tuổi, cháu chị Thơm).

Tại bệnh viện, vẻ lo âu, thất thần thể hiện rõ trên khuôn mặt người nhà của các bệnh nhân. Nhiều người đã òa khóc nức nở mỗi khi nhắc đến khoản tiền viện phí hàng trăm triệu đồng đối với mỗi bệnh nhân, trong khi tính mạng của những người thân ngày càng nguy kịch.

5 nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn nấm vào ngày 8/3 vừa qua đều là người dân tộc Dao thuộc huyện miền núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Họ chủ yếu lao động sản xuất, làm nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Sau khi biết tin con gái Lý Thị Thơm cùng cháu trai Lý Minh Khôi bị ngộ độc nặng, phải chuyển xuống Hà Nội để cấp cứu, bà Lê Thị Tâm lặng người đi, nước mắt tuôn rơi mà không nói được lời nào.

Gia cảnh khốn cùng của 5 nạn nhân ngộ độc nấm
Anh Triệu Sinh Tú, một người nhà của bệnh nhân bị ngộ độc nấm đang lo lắng không biết kiếm đâu số tiền lớn để chạy chữa cho người nhà.

Bà Tâm cho biết, ngày chị Thơm sinh được cháu Khôi cũng là lúc người chồng bỏ nhà ra đi, từ đó chưa một lần về thăm vợ con. Ba bà cháu tự trông coi, đùm bọc nhau mà sống. Biết tin hai mẹ con chị phải chuyển xuống Hà Nội cấp cứu mới giữ được tính mạng, bà cùng bà nội cháu Thùy đã dồn hết số tiền trong nhà, vay mượn thêm mới được 120.000 đồng để mang theo xuống Hà Nội. Nhưng khi nghe đến khoản tiền viện phí như sét đánh ngang tai, bà Tâm chết lặng.

“Đến tiền triệu nhà còn chưa có thì lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu bây giờ. Hôm qua gặng mãi mới được một người thân ở Bắc Ninh thương tình cho mượn 1 triệu. Nhưng ở giữa thủ đô, số tiền này quá ít ỏi. Nếu dùng hết số tiền đó, tôi không biết sẽ xoay ở đâu ra nữa. Không lẽ đành cho hai mẹ con nó về nhà chờ chết...” - Bà Tâm bật khóc.

Các bệnh nhân vụ ngộ độc nấm rừng hiện vẫn đang được tích cực theo dõi, điều trị
Các bệnh nhân vụ ngộ độc nấm rừng hiện vẫn đang được tích cực theo dõi, điều trị

Anh Lý Sinh Tú, người anh họ của nạn nhân Thùy (14 tuổi) cho biết: “Cuộc sống của bé Thùy bất hạnh từ bé, cuộc hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ đã khiến em trở nên bơ vơ. Người bố sang Trung Quốc làm ăn không trở về nữa. Mẹ em cũng đã đi bước nữa, nhưng hiện không ai biết đang ở đâu. Nay cháu đang sống với bà nội đã hơn 70 tuổi. Do không ai nuôi ăn học nên em đã phải bỏ học từ năm lớp 8 rồi ở nhà đỡ đần, giúp bà làm việc”.

Để xuống Hà Nội chăm em, chiếc xe máy cũ, tài sản có giá trị nhất của Tú đã phải mang đi cầm cố để lấy 3 triệu đồng lo tiền viện phí. Những tưởng như vậy là đủ, nhưng vừa rồi bệnh viện yêu cầu mỗi bệnh nhân đóng 3 triệu đồng viện phí. Tú chỉ dám nộp trước 2 triệu đồng cho cả ba bệnh nhân (hai mẹ con chị Thơm và cháu Thùy), còn một triệu anh dùng để dự phòng, lo liệu việc khác.

Hiện tại các bệnh nhân cùng người nhà đã bước đầu được hỗ trợ suất ăn miễn phí theo chế độ của bệnh viện. Tuy nhiên, gia cảnh của các bệnh nhân đều rất khó khăn, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.

Còn ông Triệu Nho Phú và bà Vũ Thị Hồi sống với nhau trong một chiếc lán giữa rừng. Hai người con của họ đã lớn và đi xây dựng gia đình nhưng do ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên cũng chẳng giúp đỡ được gì cho bố mẹ. Họa hoằn lắm cả năm mới về nhà thăm bố mẹ được một lần.
Hôm 8/3, thấy người trong bản lên rừng và ghé qua nhờ nấu cơm, ông bà vui mừng lắm, nấu cơm sẵn để chờ. Không ngờ đó lại là bữa cơm “định mệnh”, đẩy 5 số phận đến mức kiệt quệ, nguy hiểm.
 
Khi lực lượng dân quân cùng đoàn bác sĩ có mặt tại lán để đưa ông bà đi cấp cứu, cả đoàn xót thương vì hai vợ chồng cùng nói: “Chỉ muốn ở nhà thôi, chờ chết lúc nào thì chết” vì có đi cũng chẳng có tiền. Ngoài chiếc lán lụp xụp, ông bà không còn một đồ vật gì đáng giá.

Theo TS.BSCK II Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, việc điều trị cho những bệnh nhân bị ngộ độc rất tốn kém, ước tính mỗi ca chữa trị dao động trong khoảng từ 300 triệu đồng trở lên. Chi phí cho mỗi lần lọc máu khoảng 15 triệu đồng/ca, đó là mức tiền đối với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Trong khi từ ngày nhập viện, các bệnh nhân này đã phải tiến hành lọc máu liên tục, nếu không lọc máu sẽ khó có cơ hội cứu sống. Đến giờ chưa kết luận các bệnh nhân có qua cơn nguy kịch hay không, cần phải được theo dõi và điều trị tích cực.

Quốc Cường - Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm