Gia cầm sạch, ăn có an toàn?
Cuộc chiến phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người đã vào thời điểm quyết liệt. Việc sử dụng gia cầm và các phẩm gia cầm lúc này đang gây ra những ý kiến trái ngược nhau, làm cho tình hình trở nên phức tạp.
Người dân khổ!
Đây là thời điểm khó khăn nhất mà những người chăn nuôi gia cầm bắt đầu nếm trải. Vấn đề gây bức xúc nhất cho những người chăn nuôi gia cầm qui mô lớn, không nằm trong vùng dịch, là họ rất khó khăn trong việc tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, kể cả khi việc kiểm tra thú y được thực hiện nghiêm chỉnh. Ngoài ra, thông tin chưa rõ ràng, đầy đủ về việc tiêu thụ gia cầm trong lúc này cũng làm cho người chăn nuôi bị động.
Ông Nguyễn Văn Chỉ, xã Tốt Động, Chương Mĩ, Hà Tây nói: "Gà tiêm được 62 ngày, đã đến ngày xuất, có lúc người ta được ăn và lúc lại không, đề nghị nói rõ, còn nếu không thì tiêu huỷ thế nào để chúng tôi còn có hướng xử lý".
Những công ty có qui mô rất lớn, mỗi ngày có hàng nghìn gà đẻ trứng cũng đang đứng trước vấn đề nan giải: làm thế nào với hàng trăm nghìn quả trứng tồn kho. Anh Trần Thiện Quân, đại diện một trong những công ty như vậy bức xúc: "Hiện nay, công ty đang tồn đọng hàng triệu quả trứng. Vậy được ăn hay không được ăn, đề nghị nói rõ, nếu không rất thiệt hại rất lớn".
Nhà quản lý lúng túng
Tại cuộc họp chiều 14/11 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh bối rối: "Ngay cả tôi cũng không biết khuyên các gia đình thế nào bởi y tế nói có người ăn trứng luộc, lẩu gà (tức là đã qua nấu chín) vậy mà vẫn nhiễm virus H5N1".
Hiện khuyến cáo của các ngành chức năng với người tiêu dùng là nên ăn gia cầm đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng và ăn chín uống sôi. Mới đây, Tổ chức Nông Lương thế giới khuyến cáo có thể ăn thịt gia cầm sau tiêm văcxin được 14 ngày, thay vì 28 ngày như trước.
Nhưng ông Quang Anh cũng thừa nhận kiểm dịch hiện chỉ có thể bằng cảm quan, trong khi đó vịt mang virus vẫn khoẻ mạnh bình thường nên rất khó xác định. "Muốn biết chính xác gia cầm có mang virus hay không phải lấy máu xét nghiệm, phải cần thời gian. Hiện lực lượng thú y quá mỏng, không thể đến từng hộ dân để lấy mẫu gia cầm xét nghiệm", ông nói.
Giải pháp để vừa tiêu thụ được gia cầm sạch, vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, theo Thứ trưởng Y tế Trịnh Quân Huấn là ngành thú y phải tổng hợp những điểm chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh thú y và tổ chức giết mổ tập trung, đóng hộp, để bán cho người dân. "Những điểm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phải được công bố để người dân biết và mua gia cầm ở đó", ông Huấn nói.
Trước thực tế có nhiều luồng thông tin không thống nhất về việc sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm trong thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cho biết quan điểm chính thức về vấn đề này: "Nếu khu vực được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh thì tiêu thụ được, chỉ có điều phải nấu sôi, đun chín, phải được xác nhận của cơ quan thú y, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm bị bệnh, ốm, không rõ nguồn gốc".
Như vậy đã rõ, hàng triệu quả trứng gia cầm và hàng vạn con gia cầm sạch bệnh vẫn sẽ được tiêu thụ bình thường. Vấn đề là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của chúng. Muốn làm được điều này, quan trọng nhất là sự quản lí, giám sát chặt chẽ của các cơ quan thú y, và sự tự giác của người chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cũng cho biết, ngay thời điểm này, Thái Lan - nước đang có dịch cúm gia cầm, vẫn xuất khẩu thịt gia cầm sạch và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.
Theo VTV, VnExpress