TPHCM:
Giá cả hàng hóa vẫn “đậm” hương vị Tết
(Dân trí) - Đã bước sang ngày 20/2 (mùng 7 tháng giêng âm lịch) nhưng các cửa hàng ăn uống, dịch vụ vẫn còn tâm lý “giữ giá” Tết. Hiện các siêu thị đã mở cửa sớm với nhiều chương trình khuyến mãi trong khi giá cả ở chợ truyền thống vẫn cao.
Các chợ thực phẩm giá khá cao
Tại chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (Bình Thạnh), An Đông (quận 5), Hòa Hưng, Chí Hòa (quận 10), Gò Vấp... giá các loại rau quả xanh vẫn khá cao.
Cải xà lách bán lẻ tại chợ Bà Chiểu giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg; dưa leo, cà chua 20.000 đồng/kg tăng 7.000 đồng/kg. Còn lại các loại rau quả khác như súp lơ, su hào… đều tăng trên dưới 4.000 đồng. Những mặt hàng trái cây như cam, quýt, xoài… giá cũng tăng thêm 10 - 20%, thậm chí có loại tăng 30% (như vú sữa, nho) so với trước Tết.
Là món không thể thiếu nên rau xanh luôn “được giá”.
Nói về việc tăng giá, hầu hết các tiểu thương đều đổ cho việc hàng sau Tết ít nên giá phải cao. “Đa số các nhà vườn đều đang vui xuân mà người sử dụng rau quả sau Tết lại tăng mạnh nên giá buộc phải cao thôi”, chị Lan bán rau ở chợ Bà Chiểu cho biết.
Không chỉ có rau xanh, mặt hàng thịt cá những ngày này cũng được “đẩy” lên, có nơi còn cao hơn lúc cận Tết. Tại chợ Bà Chiểu, giá cá lóc nuôi mùng 6 Tết được bán ra 45.000 đồng/kg trong khi mùng 3 Tết chỉ có 40.000 đồng/kg. Còn cá lóc đồng được “hét” đến 100.000 đồng/kg, ai không mua thì thôi.
Giá thịt bò những ngày qua cũng tăng từ 10 - 20% so với giai đoạn trước Tết. Hiện ở mức từ 165.000 - 180.000 đồng/kg. Còn thịt heo cũng khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Lượng hàng về sau Tết tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc kinh doanh, đã bắt đầu tăng. Chỉ riêng ngày 19/2, lượng hàng về chợ đã là 1.680 tấn, gấp đôi so với thời điểm mùng 1, mùng 2 Tết.
Siêu thị giá ổn định nhưng sức mua còn thấp
Sau Tết, siêu thị lác đác người mua
Để giúp người dân thuận tiện mua sắm sau Tết, ngay từ mùng 2, siêu thị Hà Nội tại đường Cống Quỳnh, quận 1 đã chính thức mở cửa trở lại. giá cả tại đây vẫn như ngày thường. Bước sang mùng 3 Tết, một số siêu thị như Big C, Co.opMart cũng “mở hàng”.
Theo bà Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, ngay từ những ngày mở cửa đầu năm mới, chuỗi siêu thị Big C đã áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá gần 160 mặt hàng với từng mức giảm khác nhau, cao nhất lên đến 30%, nhằm kích thích tiêu dùng trong những ngày đầu năm.
Còn đại diện Co.opMart cũng cho rằng, dù chỉ mở cửa bán đến trưa trong các ngày mùng 3, 4, 5 nhưng hệ thống Co.opMart vẫn chuẩn bị đủ lượng hàng cần thiết để phục vụ người tiêu dùng và cam kết không tăng giá bất cứ mặt hàng nào. Từ mùng 6, Co.opMart mở cửa cả ngày.
Thế nhưng dù hàng hóa khá dồi dào, hầu hết đại diện các siêu thị đều cho rằng, lượng khách đến mua còn vắng, sức mua thấp.
Dịch vụ vẫn “giữ giá” Tết
Các quán ăn, uống “hốt bạc” mấy ngày Tết
Tại quán phở trên đường Kỳ Đồng, bình thường 18.000 đồng/tô nhưng từ mấy ngày Tết cho đến nay được chủ quán “hét” đến 30.000 đồng. Các địa điểm “tên tuổi” như phở 24 cũng đẩy giá từ 42.000 - 50.000 đồng/tô, trong khi bình thường chỉ trên dưới 30.000 đồng/tô.
Ngay đến các quán “cóc” ven đường cũng tăng giá từ 5 - 10%. Chị Nguyễn Anh Thư, ngụ quận Phú Nhuận, cho biết: “Ngày thường ăn một tô bún hay hủ tiếu trên đường Trần Văn Đang chỉ mất 13.000 đồng, nay vọt lên 17.000 - 20.000 đồng/tô”.
Không chỉ các dịch vụ ăn uống, dịch vụ giữ xe máy cũng được dịp “thừa thắng xông lên” nhất là tại các khu vui chơi, rạp chiếu phim… giá từ 5.000 - 10.000 đồng/xe. Năm nay được nghỉ dài ngày nên người dân đi chơi nhiều hơn, là cơ hội để các điểm giữ xe hốt bạc.
Hoài Lương