1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá cả, dịch bệnh leo thang, người chăn nuôi heo muốn bỏ nghề

(Dân trí) - Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến số lượng heo giảm, giá bán tăng. Thế nhưng, người chăn nuôi heo vẫn chưa có lãi, nguy cơ thu hẹp chăn nuôi rất lớn.

Chăn nuôi quy mô nhỏ khó đứng vững

Đầu tháng 4, giá heo hơi mua ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã lên đến: 48-49 nghìn đồng/kg cho heo loại 2, trên 51 nghìn đồng/kg cho heo trang trại công nghiệp nhưng người chăn nuôi vẫn phải bù lỗ.

Giá cả, dịch bệnh leo thang, người chăn nuôi heo muốn bỏ nghề - 1
Chuồng heo trở thành nơi chứa đồ

Đối với những hộ chăn nuôi với quy mô lớn từ vài nghìn con trở lên thì đây chính là thời điểm hái ra tiền. Ngược lại, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đây lại là vận xấu.

Anh Trần Văn Quang tổ 2 Khu 12 xã Long Đức huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai nói: “Trước đây tôi nuôi gà công nghiệp nhưng không có lãi, khoảng 7 năm nay tôi chuyển qua nuôi heo; tưởng sẽ khá hơn nhưng chẳng nhằm nhò gì, quanh đi quẩn lại thì hết dịch bệnh đến tăng giá thức ăn, chúng tôi cũng đành bó tay”.

Với quy mô nhỏ, người chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện đầu tư chuồng trại và kĩ thuật phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, họ không thể tự chế biến thức ăn cho heo mà phải đi mua, luôn phụ thuộc vào giá cả của đại lý. Việc nuôi heo không còn có lãi.

Người chăn nuôi lỗ vì đâu?

Từ sau Tết Nguyên đán, trung bình mỗi tháng giá thức ăn tăng 2-3 lần, mỗi lần tăng từ 5%-7 %. Theo các đại lý trên địa bàn các thị xã Tân Uyên, Thuận An (tỉnh Bình Dương), huyện Long Thành, Vĩnh Cữu, Tp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) thì giá thức ăn tăng chóng mặt.

Hiện nay, cám gạo tăng 6.500 đồng/kg; giá bắp hột tăng 500 đồng/kg (từ 7.500 đồng lên 8.000 đồng/kg); giá khô dầu đậu nành tăng từ 10.500 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg, cám đậm đặc tăng 6.500 đồng/bao...

Ngoài lý do về thức ăn đẩy chi phí lên cao thì dịch bệnh còn đe dọa đến đàn heo giống và heo thịt. Người nuôi heo vừa trải qua một năm đầy sóng gió vì dịch tai xanh đẩy giá heo thấp kỉ lục xuống 22-24 nghìn đồng/kg thì nay phải đối mặt với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng.

Khảo sát một loạt cửa hàng thuốc thúy trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy giá cả các loại thuốc đều tăng cao. Cụ thể giá thuốc Vimekat, Na-Campho, B.Complex ADE, Penicilline, Ampi, Penstrep… tăng trên 5%/loại.

Chăn nuôi heo là hình thức tăng thu nhập cho những hộ gia đình ít vốn. Tuy nhiên trong thời buổi giá cả các mặt hàng leo thang như hiện nay thì vấn đề duy trì nghề nuôi heo gần như là không thể. Gánh nặng của họ là chi phí đầu vào và cả chi phí cho việc phòng chống dịch bệnh đều tăng cao.

Giá cả, dịch bệnh leo thang, người chăn nuôi heo muốn bỏ nghề - 2
Chị Hiệp chưa biết phải đổi sang nghề gì để có tiền nuôi con ăn học

Chị Trần Thị Hiệp (huyện Long Thành) chỉ tay về phía chuồng heo để trống: “Gia đình tôi phải nuôi 3 đứa con ăn học. 2 đứa lớn học đại học, đứa nhỏ học cấp ba. Mọi chi phí học hành, ăn ở đều chủ yếu dựa đàn heo. Nếu không còn chăn nuôi nữa chưa biết làm gì đây.”

Anh Hoàng Văn Dũng ở phường Phú Hòa thị xã Thủ Dầu Một, thở dài: “Với tình hình này, việc cầm cự nuôi heo tiếp là rất khó”.

Vào thời điểm này hằng năm, anh Dũng thường có vài trăm con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng năm nay dịch bệnh đe dọa đã làm giảm nguồn thu chủ yếu của gia đình

Hải Thanh