1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ghê sợ kiểu ăn theo vụ Lê Quốc Tuấn

Trong khi vụ án Lê Quốc Tuấn đang được Công an TP HCM khẩn trương mở rộng điều tra thì trên mạng lại xuất hiện dày đặc những clip về gia đình, vợ con Tuấn khiến dư luận bất bình.

Ngày 17-2, liên quan vụ án Lê Quốc Tuấn (tự Tuấn "khỉ", SN 1987; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM), cướp tài sản, sử dụng vũ khí quân dụng sát hại 5 người, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã tạm giam Phạm Thanh Tâm (tự Tý bà Dòm, SN 1987, quê tỉnh Tây Ninh; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM), Lê Quốc Minh (SN 1993; ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) cùng 10 người khác; quyết định tạm giam đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn. Tất cả 12 người này bị tạm giam để điều tra 2 tội: "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có", "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng".

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi thi thể Lê Quốc Tuấn (SN 1987) được hỏa táng và bàn giao cho gia đình thì hằng ngày có hơn chục YouTuber vẫn chực chờ trước nhà để quay clip, livestream đăng lên YouTube, mạng xã hội. Mặc dù người thân, hàng xóm của Lê Quốc Tuấn đã nhiều lần nhắc nhở nhưng các YouTuber vẫn bất chấp.

Nỗi đau sau mặt báo

Một người hàng xóm của Lê Quốc Tuấn cho biết kể từ khi xảy ra vụ án (ngày 29-1) đến nay, ngôi nhà ấy lúc nào cũng đóng kín cửa, những người ra vô đều là người thân quen đến động viên gia đình. Nhưng từ khi thi thể Lê Quốc Tuấn được hỏa táng, đưa tro cốt về nhà thì hàng chục YouTuber chực chờ trước cửa để quay clip.

Chị T.T.K.T (SN 1987, vợ Tuấn) kể từ hôm đưa tro cốt về, lúc nào cũng có chục người cầm máy quay, điện thoại để livestream lên mạng. Mặc dù gia đình rất cẩn thận đóng kín cửa, kéo rèm nhưng sơ sẩy là họ quay. Có hôm, khi một số bạn bè đến thắp hương, nhóm YouTuber nhanh chân đi theo vào tận bàn thờ để chụp hình, quay clip… Chị T. đau buồn: "Từ lúc chồng tôi gây án đến nay, gia đình không một ngày nào yên ổn vậy mà họ cũng không tha. Ngoài YouTuber thì hàng trăm người khắp nơi chạy xe máy ngang qua nhìn vào nhà để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Gia đình có phản ứng cũng không thể ngăn được những người livestream nên đành im lặng, tôi chỉ mong mọi người thấu hiểu hoàn cảnh gia đình tôi trong thời điểm này mà hành xử cho phù hợp".

Ghê sợ kiểu ăn theo vụ Lê Quốc Tuấn - 1

Lực lượng YouTuber, Facebooker xuất hiện dày đặc trong các diễn biến liên quan đến vụ án Lê Quốc Tuấn. Ảnh: QUANG LIÊM

 

Cũng theo chị T., sau khi xảy ra vụ án, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bức thư nói rằng thư của Tuấn viết cho cha mẹ, vợ con. Những bức thư này chia sẻ với tốc độ chóng mặt kèm theo những lời bình khiếm nhã. Chị T. khẳng định tất cả những bức thư được lan truyền trên mạng là giả mạo, không phải nét chữ của Tuấn và Tuấn cũng không để lại tâm thư hay nhắn gửi bất cứ điều gì.

Đau đớn vì tội lỗi mà con mình gây ra, mẹ của Tuấn trong những ngày qua chân đi không vững, lúc có khách đến thăm chỉ vật vờ cảm ơn. Bà nói: "Đời này, kiếp này, con dại thì cái mang. Tuấn nó gây ra tội lỗi tày trời thì không thể tha thứ. Chỉ mong mọi người nghĩ lại mà thương cho vợ nó, con nó. Hai đứa nhỏ không tội tình gì mà phải gánh búa rìu dư luận, gieo vào đầu nó bao phiền muộn thì quá nhẫn tâm. Từ hôm xảy ra sự việc đến giờ, mấy đứa nhỏ cứ nhắc cha rồi ôm mẹ khóc. Là người mẹ, người bà, tôi nhìn thấy cảnh này mà đau khôn tả".

Chị Ngọc Nga (SN 1980, hàng xóm) bức xúc: "Tôi ngồi bán ở chợ chiều, con đường dẫn vào nhà Tuấn lúc nào cũng chộn rộn vì hàng tốp người đến hỏi đường đi xem đám ma. Không biết họ xem gì trong đó, vào xem để được lợi lộc gì. Có hôm, những người trong xóm thấy các YouTuber cứ săm soi gia đình họ mà bực giùm, ra nói họ đừng nhẫn tâm như vậy nhưng họ cứ trơ trơ".

Đó là vi phạm pháp luật

Trước những clip được phát dày đặc trên mạng, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) nói xem hình ảnh nhiều người dân chĩa điện thoại vào căn nhà đã đóng cửa để quay diễn biến và nhất cử nhất động của từng thành viên trong gia đình rồi đăng YouTube, Facebook, ông thấy bất nhẫn và thất đức. Bởi theo ông, những hình ảnh này sẽ lan truyền đến tận hang cùng ngõ hẻm và được bình luận, bàn tán rôm rả. Chắc hẳn không thiếu những lời cay độc, nhói đau tận tâm can hay những bức tranh vẽ ra gia đình Tuấn như một nhóm tội phạm.

"Người lớn có thể vượt qua nhưng trẻ con thì làm sao?" - luật sư Công đặt câu hỏi và cho rằng có một người thân gây tội ác và đã phải trả giá là một mất mát quá lớn trong gia đình họ. Nhưng họ vô tội và còn cả tương lai nữa. "Tôi biết nói ra điều này sẽ bị "ném đá" khi so sánh nỗi đau của gia đình bị hại. Có điều, pháp luật của nhà nước cũng như luật đời đều rất phân minh khi phân định trách nhiệm rõ ràng đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng như đồng phạm với chế tài cụ thể nhằm trừng trị lẫn răn đe và giáo dục chung" - luật sư Công nói.

Liên quan đến pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng hành vi đăng các hình ảnh cá nhân mà chưa được phép của người bị đăng thì đó là sự vi phạm pháp luật. Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ ở điều 38 về quyền này. Điều này đồng nghĩa những hành vi sai trái kia hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý để yêu cầu bồi thường.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) nói rằng ngày nay, mạng xã hội nở rộ, các ứng dụng đăng tải ngày càng phát triển và mỗi người dân đều có thể là một "cái máy phát tin". Thông thường, những thông tin nóng và xấu, độc được chuyển đi rất nhanh chóng, kèm theo đó là những hệ lụy rất nặng nề.

"Việc những YouTuber, Facebooker đến gia đình Lê Quốc Tuấn quay clip phát tán lên mạng kiếm tiền nằm ở đạo đức con người. Trường hợp này, gia đình có thể nhờ cảnh sát khu vực can thiệp để ổn định cuộc sống. Nếu hình ảnh riêng tư, hình ảnh trẻ em bị phát tán trên mạng thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp theo Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, nhà quản lý YouTube rất khắt khe đối với cách kênh YouTube phát tán, xâm phạm đến lợi ích trẻ em. Chính vì vậy, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, cần báo cáo những clip xâm phạm đời tư để YouTube xem xét đối với những kênh vi phạm" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh. 

Điều 38 Bộ Luật Dân sự quy định gì?

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 Theo Phạm Dũng

Người lao động