“Ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải chưa khi nào… nguội”
(Dân trí) - “Người ta nói cái ghế của tôi “nóng” cũng đúng. Có việc giảm nhiệt dần nhưng vấn đề khác lại nóng lên, đòi hỏi tiếp tục giải quyết chứ chưa bao giờ nguội hết” - Bộ trưởng GTVT vừa mãn nhiệm Hồ Nghĩa Dũng đánh giá về nhiệm kỳ ngồi “ghế nóng” của mình.
“Nói ghế của tôi nóng cũng… đúng”
Sau vụ PMU 18, vị trí Bộ trưởng GTVT ông đảm nhiệm được nhiều người coi là “ghế nóng”. Nhìn lại 5 năm tại nhiệm, ông có cảm thấy sức nóng như dư luận hình dung?
Khi tôi nhậm chức, đúng là báo chí có viết như vậy. Dư luận xã hội khi đó chắc là thấy nóng, còn bản thân tôi chưa vào cuộc cũng đã thấy nóng rồi.
Từ đầu, tôi hiểu đây là một ngành nghề kỹ thuật khó, thời điểm đó lại rất phức tạp nên nhiều người đang trông chờ một người có kinh nghiệm trong ngành vào để điều hành. Tôi là một người ngoài ngành, không có chuyên ngành sâu về GTVT nhưng lại chuẩn bị về một lĩnh vực đang có nhiều phức tạp như vậy. Việc này ít có tiền lệ ở Bộ GTVT.
Bản thân trong Bộ khi đó có nhiều vấn đề “nóng”. Vụ PMU18 làm cho không khí ở Bộ nhiều hoang mang, tư tưởng anh em không tập trung. Lãnh đạo cao nhất đã thôi công việc trước đó 2 - 3 tháng. Thứ trưởng thường trực đang bị xem xét hình sự.
Các đồng chí Thứ trưởng khác, người ốm đau, người lại có tư tưởng chuyển đổi công việc. Tất cả các cấp vụ đều đang bị xem xét kỷ luật. Các Ban quản lý DA đang hoang mang không biết vận hành thế nào.
Công việc bên trong ngành thì quản lý xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Do vụ PMU18, các Ban Quản lý dự án đang phải trông chờ khi có hàng nghìn bài báo đặt ra những vấn đề như PMU - anh là ai, quản lý thế có đúng không… Mọi việc ngưng hết. Vậy nên giải ngân năm ấy rất thấp.
Các vấn đề như tai nạn giao thông có lúc tăng lúc giảm, nhưng thời điểm đó tăng lại rất cao.
Kể cả dư luận xã hội, công việc nội bộ trong Bộ… đều ở thời điểm rất nóng. Nghĩ lại thì thấy người ta nói ghế của tôi nóng cũng đúng.
Nhưng “ghế nóng” có nóng suốt thời gian ông tại vị?
Tôi nghĩ là nóng thì lúc nào cũng nóng nhưng có giảm nhiệt dần. Có việc giảm và không nóng nữa nhưng có những vấn đề lại nóng lên, đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết chứ không bao giờ nguội hết tất cả.
Như ông nói, có những vấn đề mới nóng lên và thời ông làm Bộ trưởng cũng xảy ra nhiều việc như vụ sập cầu Cần Thơ, Vinashin hay đường sắt cao tốc chưa được thông qua… Việc nào trong số đó làm ông phải suy nghĩ, trăn trở nhất?
Tôi trăn trở nhất là về sự cố cầu Cần Thơ. Khi đó tôi mới về Bộ được khoảng 1 năm. Trước đó cầu Cần Thơ đã đầu tư xây dựng rồi. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ sau này đã nói rất rõ, đây là một sự cố bất khả kháng, thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Bộ không có quyết định gì sai trái ảnh hưởng trực tiếp dẫn tới sự cố như vậy. Nhưng điều đau đớn là tai nạn và số người thiệt mạng lớn quá. Đó là vấn đề tôi rất đau đớn và trăn trở.
Sự cố này gây áp lực lớn với ông lúc đó?
Sự việc xảy ra rất bất ngờ. Một buổi sáng khi tôi đang họp về một vấn đề của Bộ thì tin ấy dội tới, rất bàng hoàng. Lúc đầu tôi còn chưa cảm nhận hết mức độ lớn của sự việc nhưng ngày càng thấy sốc.
Nhưng tôi không nghĩ có áp lực lớn. Sốc vì thiệt hại lớn quá nhưng tôi khá bình tĩnh để xử lý vấn đề, bởi việc đã xảy ra rồi và tôi cũng tin mình không làm gì sai để xảy ra vấn đề đó. Dù vậy người đứng đầu về quản lý thì luôn phải thể hiện trách nhiệm của mình.
Tôi đã tổ chức xử lý để rồi 1 năm sau công trình tái khởi động lại và đã đi đúng theo tiến độ điều chỉnh.
Tiếc vì cách diễn giải về đường sắt cao tốc
Độc giả và các phóng viên đến giờ vẫn nhớ rất rõ buổi thảo luận về dự án xây dựng đường sắt cao tốc tại Quốc hội, không khí khá gay gắt với nhiều ý kiến đối chọi nhau. Ngồi trong hội trường lúc đó ông có thấy căng thẳng?
Tôi chỉ là cá nhân được Chính phủ giao trình bày trước Quốc hội nên nghĩ rằng vấn đề lớn phải được mổ xẻ. Những vấn đề cụ thể mới tới ngành chuyên môn là Bộ GTVT. Những ý kiến xác đáng trong buổi thảo luận, vì thế, tôi cũng rất đồng tình để xem xét.
Ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu không thông qua dự án, trả lời phóng viên Dân trí trong giờ giải lao của phiên họp, ông có nói là “không buồn lắm”. Đến lúc này nhìn lại, ông có tiếc nuối điều gì trong thời gian trình dự án này?
Tôi tiếc là cũng có thể cách diễn giải của mình chưa làm mọi người hiểu bản chất vấn đề. Báo cáo của Chính phủ là báo cáo tiền khả thi để xin Quốc hội chủ trương chứ chưa phải bước quyết định để trình Quốc hội quyết định đầu tư hay không đầu tư. Nếu Quốc hội cho chủ trương đầu tư mới làm đến các bước tiếp theo.
Tôi đã diễn giải, do dự án lớn nên xin Quốc hội quyết để phục vụ công tác quy hoạch lâu dài - đầu tiên là quy hoạch sử dụng đất, sau sẽ thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng. Còn khi chọn đầu tư thì sẽ chọn những điểm quan trọng nhất làm báo cáo đầu tư để báo cáo, Quốc hội đồng ý thì làm, không thì thôi.
Chưa có kinh nghiệm nên trước đó công tác tuyên truyền không được nhiều. Vậy nên khi đề cập chủ trương đầu tư, mới chỉ bật ra 1 câu dự án dự kiến cần vài chục tỷ USD là mọi người “dội” lên. Thực tế, đó là mức tổng đầu tư như thế nhưng kéo dài rất nhiều năm chứ không phải làm ngay 1 lúc, tiêu hết số vốn khổng lồ đến như thế.
Còn phải “chiến đấu” quyết liệt với tai nạn giao thông
Tại thời điểm này, khi bàn giao công việc cho người kế nhiệm là ông Đinh La Thăng, ông cảm nhận ghế Bộ trưởng GTVT còn nóng?
Tôi nghĩ nhiều vấn đề đã hạ nhiệt nhưng tôi cũng nói với anh Thăng còn rất nhiều vấn đề nóng. Bối cảnh bây giờ có thể yên bình hơn thời điểm tôi nhậm chức vì Bộ hiện đang hoạt động bình thường, nhưng những vấn đề nóng luôn luôn có, không lúc nào hết.
Đúng thời điểm ông bàn giao công việc cho người kế nhiệm, vấn đề tai nạn giao thông lại nổi lên với rất nhiều vụ việc thảm khốc. Giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ rất khó khăn với Bộ trưởng mới, thưa ông?
ATGT là 1 vấn đề rất phức tạp của Việt Nam, của các nước đang phát triển và cả thế giới. Thế giới mỗi năm có khoảng 1,3 triệu người chết vì TNGT, trong đó Việt Nam khoảng 11.500 người.
Sau thành công của Nghị quyết 32, quy định về việc đội mũ bảo hiểm được thực hiện, tai nạn đã liên tục giảm. So với 2007, 2010 đã giảm tới 1.700 người chết. Năm đầu tiên đội mũ bảo hiểm, 2008, giảm tới 1.564 người, gần 12%, mà Hội nghị an toàn toàn cầu đã ghi nhận là 1 trong 6 điểm sáng về ATGT của thế giới trong năm đó.
Nhưng năm 2010 so với 2007 tăng tới 10 triệu phương tiện, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa tăng gấp đôi, nếu so tiêu chí trên 10.000 phương tiện, tỷ lệ tai nạn như vậy đã giảm nhưng số tuyệt đối lại rất lớn.
Đặc biệt số tai nạn thảm khốc gần như không giảm, hiện đang có xu hướng tăng trở lại. 6 tháng đầu năm đã tăng 1%. Vấn đề này vô cùng phức tạp, rất nóng và còn phải chiến đấu quyết liệt trên mặt trận này lâu dài nữa.
Ông có thông điệp gì gửi đến người kế nhiệm?
Chúng tôi cũng tâm sự với nhau, ngành GTVT luôn là ngành xã hội quan tâm nhiều nhất vì từ khi sinh ra tới khi trở về với đất con người nào cũng phải đi, từ 1 tuổi chập chững biết đi đến khi ra đồng cũng phải đi thôi.
Là vấn đề kinh tế, xã hội ai cũng quan tâm nên nghề này cũng có cái vinh quang khi mỗi một công trình ra đời, một bộ mặt giao thông hiện đại hình thành phục vụ đời sống. Nhưng để có được điều đó phải lao động vô cùng vất vả và chịu rất nhiều áp lực của cuộc sống để thực hiện.
Chúng tôi người nọ kế tiếp người kia để làm sao thực hiện chiến lược đến 2020- 2030 xây dựng được một xã hội giao thông hiện đại, an toàn, bền vững. Tôi cũng đã hoàn thành được một phần nhỏ. Anh Thăng và những người khác sẽ tiếp tục.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)