1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp vị chỉ huy kế hoạch đào hầm vượt ngục Phú Quốc

(Dân trí) - Nhìn vào cuộc sống bình dị của lão nông Vương Đức Thuận (76 tuổi, trú xóm Thái Bình, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ít ai biết rằng ông chính là cảm tử quân của trận đánh mở màn cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông cũng chính là “khắc tinh” của quân địch tại nhà tù Phú Quốc…

Trong vai trò người chỉ huy chi bộ, ông được giao trách nhiệm đào thông đường hầm để các tù binh trốn ra ngoài. Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của 3 chi bộ trước đó, cứ đào được 50m là ông và những người bạn làm một lỗ thông hơi để quan sát nhằm tránh đào lòng vòng, hoặc đào gần với các điểm chốt canh gác của địch. Cuối cùng, chi bộ của ông đã đào thành công đường hầm với chiều dài 250m, vượt ra ngoài nhà lao và vùng đã bị địch cài mìn ở phía ngoài.


Tái hiện cảnh đào hầm, vượt ngục ở nhà tù Phú Quốc.

Tái hiện cảnh đào hầm, vượt ngục ở nhà tù Phú Quốc.

Vinh quang người cảm tử quân…

Xuất thân từ một gia đình thuần nồng trong thời chiến chinh, năm 1960, Vương Đức Thuận đã tình nguyện lên đường đi bộ đội theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau ngày nhập ngũ, ông được bổ sung vào Trung đoàn 271 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Khi kết thúc thời gian tập luyện, ông được tham gia vào chiến dịch Thượng Lào, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường C. Đến tháng 10/1963, ông lại được gia nhập vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 10 – Bộ Tư lệnh Quan khu 4 để tham gia chiến đấu tại Thừa Thiên – Huế. Sau trận đánh 2 trung đoàn Tăng Thiết Giáp của địch tại ngã ba Bòng Bòng (Phú Lợi – Huế) vào tháng 2/1966, ông được kết nạp Đảng.

Ông là một trong 26 chiến sỹ trở thành cảm tử quân được Trung đoàn giao nhiệm vụ tấn công vào khách sạn Hương Giang (Huế) để mở màn cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Đội cảm tử của ông đã tiêu diệt được 170 lính Mỹ. Ngay sau đó, 5 sư đoàn quân Ngụy đóng xung quang khu vực khách sạn Hương Giang đã kéo đến bao vây phản công. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, 24 chiến sỹ của đội cảm tử quân đã hy sinh, chỉ còn lại ông và một đồng chí nữa bị thương nặng, ngất đi…

Tỉnh dậy, ông thấy mình bị nhốt trong trại giam dã chiến của địch ở đồn Mang Cá (Huế). Thế rồi, quân địch lại chuyển ông vào giam ở trại giam Non Nước (Đà Nẵng). Hai tháng sau, chúng chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc. Từ đó, ông đã phải ở lại chốn “địa ngục trần gian” này cho đến khi được trao trả vào năm 1973.

Biến điều không thể thành có thể

Là một cảm tử quân kiên cường, ông Thuận đã được bầu vào Ban Thường vụ của Đảng bộ Cộng sản trong nhà tù Phú Quốc. Ông phụ trách Chi bộ 9 gồm 18 đảng viên, chia làm 4 tổ và 1 chi đoàn thanh niên. Trong thời gian phải đối mặt với “địa ngục trần gian” tại Trại giam A5, ông đã trở thành “khắc tinh” của thế lực lao tù Phú Quốc. Ông liên tục đứng dậy đấu tranh với địch để phản đối việc đánh đập, tra tấn dã man và đòi các quyền lợi cho anh em chiến sỹ đang bị giam cầm. Ông nhớ lại: “Có những lần chúng tôi đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực hơn 10 ngày. Tôi luôn động viên anh em phải kiên định, giữ vững tinh thần và khí tiết người cách mạng, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho dân tộc”.

Cảm tử quân Vương Đức Thuận đang kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình

Cảm tử quân Vương Đức Thuận đang kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình

Trước thái độ bất khuất của cảm tử quân Vương Đức Thuận, thế lực thống lĩnh nhà lao Phú Quốc đã dùng những hình thức tra tấn tàn ác như dùng đinh 10 phân đóng vào đầu gối, lấy đinh ghim vào các đầu ngón tay…Song, trước những hình thức tra tấn đê hèn của địch, tinh thần cách mạng trong ông lại càng sục sôi. Đến năm 1971, Đảng bộ nhà lao Phú Quốc đã chỉ đạo cho 4 Chi bộ gồm 1, 4, 5 và 7 tiến hành đào hầm vượt ngục. Chi bộ 7 do ông Thuận phụ trách. Dưới sự chỉ đạo của ông Thuận, 9 chiến sỹ trong Chi bộ 7 đã tham gia đào hầm. “Suốt 2 tháng trời, chúng tôi đã sử dụng những cái khay cà men sắt mà địch phát cho để ăn cơm làm phương tiện đào hầm trong tu thế ngồi thẳng đứng, lấy hai vai và hai đầu gối trước làm cân bằng. Mặc dù việc đào hầm vượt ngục đã được 3 chi bộ khác tiến hành trước nhưng đều thất bại, do không định hướng được nên đường hầm cứ chạy vòng quanh nhà lao, không vượt ra ngoài được. Rút kinh nghiệm của sự thất bại đó, chúng tôi cứ đào được 50m là làm một lỗ thông hơi để quan sát nhằm tránh đào lòng vòng, hoặc đào gần với các điểm chốt canh gác của địch.

Trong thời gian đầu, anh em đã phải chuyền tay nhau để đưa từng lớp đất đào hầm hòa vào nước trong thùng phi mà địch dùng để cho tù nhân đi vệ sinh rồi đổ đi. Cứ như thế, người thì đi lấy nước đổ vào thùng phi, người thì chuyền đất từ dưới hầm lên để hòa vào nước tránh sự phát hiện của địch. Khi hầm đã đào được khoảng hơn 100m, chúng tôi lại sử dụng một phần diện tích đáy hầm đã đào được để ém đất và tiếp tục đào. Hằng ngày, khi nào địch lơ là trong việc giám sát, chúng tôi lại lập tức tiến hành đào. Với sự quyết tâm cao, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1971, chúng tôi đã đào thành công đường hầm bí mật dài 250m này” - ông Thuận kể lại.

Khi đào thành công đường hầm, ông Thuận đã báo cáo với Đảng ủy. Ông đã được Đảng ủy giao toàn quyền tổ chức cho anh em thoát ra ngoài. Sau khi nắm bắt tình hình về phía địch, ông Thuận đã bố trí cho 46 đồng chí, trong đó có Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Lĩnh (quê ở Sài Gòn), anh hùng quân đội Nguyễn Quang Hòa (quê Quảng Nam) cùng với 7 Bí thư Chi bộ, 18 đảng viên, toàn bộ anh em tham gia đào hầm thuộc Chi bộ 9 và Tổ đặc công 4 người do ông Nguyễn Xuân Minh (quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) phụ trách tiến hành thoát ra ngoài. Còn về phần mình, ông Thuận đã tình nguyện ở lại để bảo vệ nắp hầm, không cho địch phát hiện và sẵn sàng hy sinh để anh em vượt ngục thành công.

Sau sự “biến mất” kỳ lạ của 46 tù nhân, địch đã sử dụng biện phppháp phân loại tù “Miền Nam”, tù Sau sự “biến mất” kỳ lạ của 46 tù nhân, địch đã sử dụng biện pháp phân loại tù “miền Nam”, tù “miền Bắc” để giam riêng. Lúc đó, ông Thuận lại bị chuyển từ Trại giam A5 sang Trại giam D4. Tại đây, ông Thuận lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều hình thức tra tấn dã man khác của quân địch cho đến tháng 3 năm 1973, ông đã được trao trả tự do tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Trở về quê sau 4 lần giỗ…

Rời “địa ngục trần gian”, ông Thuận đã được đưa đi điều dưỡng một thời gian tại Hà Nam Ninh. Đến cuối năm 1973, ông đã trở về quê nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con làng xóm. Kể từ khi nhận được giấy báo tử cho đến khi ông xuất hiện, gia đình chúng tôi đã làm cho ông 4 lần giỗ.

Cảm tử quân Vương Đức Thuận đang kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình

Trở về đời thường với tỷ lệ thương tật 54%, nhưng ông Thuận luôn sống lạc quan. Quanh năm, ông vẫn tảo tần lao động, sản xuất trên mấy sào ruộng để nuôi sống cả gia đình. Giờ đây, tuy 4 cô con gái đã thành gia thành thất, nhưng vợ chồng ông Thuận lại phải lo toan, chăm sóc cho người con trai đầu Vương Đức Bình (50 tuổi), từng đi bộ đội, nay bị bệnh tâm thần.

Những công lao của ông Thuận đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng danh hiệu cao quý, cụ thể: Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; 3 huân chương kháng chiến; huân chương giải phóng; huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Đặc biệt, mong muốn của ông được trở lại thăm nhà tù Phú Quốc đã được thực hiện vào tháng 11 năm 2008.

Sau chuyến thăm lại nhà tù Phú Quốc, Đoàn làm phim về những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày cũng đã tìm về với ông Thuận - “một nhân chứng sống” cho lòng yêu nước. Đến hôm nay, người “anh hùng” Vương Đức Thuận đã bước sang tuổi 76, nhưng những kỷ niệm của người cảm tử quân vẫn hiển hiện và tiếp sức cho ông vượt qua mọi khó khăn, vất vả của cuộc sống thường nhật.

Nguyễn Duy