1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gấp rút triển khai biện pháp phòng, chống bão số 2

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2 được dự kiến đổ bộ vào khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ, các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn cho ngư dân, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Quảng Trị: Triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2 đang đổ bộ vào đất liền, tỉnh Quảng Trị đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn cho ngư dân, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa to đến rất to, đặc biệt tại Cồn Cỏ gió giật mạnh trên cấp 8. Lượng mưa đo được trung bình ở mức 50mm-100mm, tại huyện đảo Cồn Cỏ là 131mm, tại khu vực xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng. Lượng mưa lớn đo được 237mm. Ở khu vực ven biển gió giật mạnh cấp 4, độ cao sóng biển 2m.

Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Trị tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống bão số 2, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Tỉnh Quảng Trị họp triển khai phương án ứng phó với bão
Tỉnh Quảng Trị họp triển khai phương án ứng phó với bão

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị đã có công điện gửi các địa phương triển khai các phương án ứng phó với bão: Các huyện ven biển phối hợp với lực lượng Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải theo dõi chặt chẽ cập nhật thông tin về Áp thấp nhiệt đới, tổ chức kiểm đếm thường xuyên giữ thông tin liên lạc, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Các huyện miền núi chủ động triển khai các biện pháp đề phòng sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Rà soát và sẵn sang triển khai các phương án chống lũ cho công trình đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, bố trí dự trữ lương thực, phương tiện để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ nghiêm túc, chặt chẽ theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng triển khai công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Các ngành chức năng địa phương đã tiến hành kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Tính đến 6h ngày 16/7, đã có 2.263 chiếc tàu với 6.497 người trên tổng số 2.305 chiếc với 6.997 người của tỉnh Quảng Trị đã neo đậu tại khu vực an toàn.

Thuyền nan của ngư dân dược đưa vào bờ an toàn
Thuyền nan của ngư dân dược đưa vào bờ an toàn

Hiện đang có 42 chiếc tàu với 500 người đang hoạt động trên khu vực các vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ và vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện đang có 83 tàu thuyền ngoại tỉnh với 588 người đang neo đậu tại các bến của tỉnh.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, hiện nay tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước với dung tích khoảng 61% so với thiết kế. Để đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời, có phương án khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ, đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao thì không tích nước để đảm bảo an toàn hạ du công trình trong mùa mưa bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Nguyễn Đức Chính yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến của mưa bão để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Nguyễn Đức Chính yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến của mưa bão để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN theo dõi sát tình hình, diễn biến của mưa bão để thông báo cho các địa phương nắm bắt kịp thời; Kêu gọi tàu thuyền vào trú ẩn an toàn, quản lý chặt tàu thuyền đang hoạt động gần khu vực nguy hiểm; Cảnh báo nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, những nơi có nguy cơ cao cần phải có phương án di dời để khỏi bất ngờ.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời với mưa bão; Đảm bảo an toàn hồ, đập, theo dõi chặt việc vận hành xả lũ an toàn; Theo dõi lượng nước để đề phòng lũ cục bộ; Khu vực gieo cấy nằm ở vùng trũng cần chủ động chống ngập; Cảnh báo không để người và phương tiện đi vào vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Các huyện cần có chỉ đạo kịp thời, để có phương án chủ động, không mất cảnh giác.

Thanh Hóa: Lên phương án di dời nhiều hộ dân

Để chủ động phòng chống cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 7 gửi các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.

Khu vực miền núi thường xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa bão
Khu vực miền núi thường xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa bão

Ở khu vực ven biển, tính đến ngày 15/7, toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 5.690 phương tiện đang hoạt động trên biển đã được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2 và vẫn duy trì liên lạc bình thường với đất liền.

Trong đó, có 3.978 phương tiện với 6.126 lao động đang khai thác gần bờ; 1.712 phương tiện với 11.297 lao động đang hoạt động ở vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đài thông tin duyên hải thường xuyên thông báo vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão cho chủ các phương tiện tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Thanh Hóa có công điện về phòng chống cơn bão số 2
Tỉnh Thanh Hóa có công điện về phòng chống cơn bão số 2

Đối với khu vực miền núi, chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Tổ chức kiểm tra các công trình hồ đập.

Kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm, tiêu úng cho vùng trũng thấp. Chủ động giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để bảo đảm tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu.

Đăng Đức - Duy Tuyên