1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp ông Tâm sửa xe miễn phí giúp học trò được dân mạng nể phục

(Dân trí) - “Người như ông Tâm, xã hội này cần lắm”, anh Sơn, hàng xóm của ông Tâm chia sẻ.

Cách đây hai ngày, bức ảnh chụp lại lời nhắn nhủ: "Sửa xe đạp. Các cháu học sinh cấp 1, 2 đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa ông không lấy tiền, (nếu) ông chưa sửa kịp (thì) ông đưa đến trường. Ông Tâm" đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
 
Nhiều người viết thư về toà soạn mong muốn tìm hiểu rõ về người đàn ông tốt bụng, đáng nể phục này. Và phóng viên Dân trí đã tìm tới nhà ông Tâm – ông lão sửa xe miễn phí trong câu chuyện để giúp độc giả giải đáp các thắc mắc.

Bức ảnh l

Bức ảnh lời nhắn nhủ của ông Tâm gửi tới các cháu học sinh khiến dân mạng nể phục

Đường về nhà ông Tâm cách trung tâm thành phố Hà Nội vài chục kilômét. Cụ thể là ở xóm 4, thôn Cầu Cảng, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây, một người dân địa phương đã đưa phóng viên tới tận nhà ông Nguyễn Văn Tâm (63 tuổi), nhân vật chính trong câu chuyện đầy tính nhân văn.

Nơi ông Tâm sinh sống là một vùng quê yên bình, trong thôn, người lớn không mấy khi quan tâm tới Internet. Đây là phương tiện mặc định chỉ dành cho giới trẻ. Vì vậy, khi biết rằng câu chuyện giúp đỡ trẻ nhỏ của mình được đưa lên mạng, lên báo, ông Tâm tỏ ra rất bất ngờ và cũng không biết ai là người đã chụp bức ảnh.

Trong buổi sáng ngày cuối tuần, ông Tâm khá rảnh rỗi tiếp chuyện phóng viên. Ông Tâm kể rằng ông là cựu chiến binh về hưu. Khi còn trong quân ngũ, ông là lính kéo pháo ở khu vực miền Bắc. Sau ngày giải phóng, ông về quê, chăm chú làm nghề gò hàn các vật dụng đơn giản như thùng, xô, máng, thuyền tôn...

Ông Nguyễn Văn Tâm, nhân vật chính trong câu chuyện đầy tính nhân văn

Ông Nguyễn Văn Tâm, nhân vật chính trong câu chuyện đầy tính nhân văn

Tuy nhiên công việc càng ngày càng ít mà sức ông cũng yếu dần nên ông có khá nhiều thời gian rảnh. “Nhà chỉ có hai vợ chồng, các cháu (con ông Tâm) đứa đã lập gia đình, đứa đi làm ăn xa. Tôi và bà nó cũng chẳng mong làm giàu ở cái tuổi này nên dành thời gian giúp đỡ người khác, tích đức cho con cháu”, ông Tâm chia sẻ.

Đó là lí do ông Tâm dựng tấm bảng sửa xe giúp trẻ nhỏ. Dù rằng, nghề sửa xe vốn ông không học qua thợ thuyền nào cả, mà chỉ biết tới đâu làm tới đó. Cơ duyên bắt đầu từ một lần khi đang gò hàn cho khách thì ông Tâm bắt gặp một cháu gái trong xóm học lớp 5 mếu máo dắt xe đạp bị xịt lốp đi ngang qua.

“Tôi thấy tội, kêu cháu dắt xe vào sửa hộ. Cháu tưởng tôi làm nghề sửa xe, trả tiền nhưng tôi không lấy. Rồi cháu cảm ơn, ra về, trong lòng tôi thấy rất vui. Từ đó hễ thấy cháu nào hỏng xe đi ngang qua là tôi lại ra sửa giúp.
 
Sau này mới biết, đường qua nhà tôi rất nhiều cháu nhỏ đi học bị hỏng xe (nhà ông Tâm ngay gần trường học - PV). Thấy thương các cháu, tôi đề tấm bảng sửa xe giúp để các cháu khỏi ngại ngần. Thực ra xe đạp đem đi sửa chả đáng là bao nhưng gần đây các tiệm sửa xe ngại nhận vì mất công, ít tiền nên tôi sửa giúp”.

Đồ nghề sửa xe của ông Tâm khá đơn giản, các dụng cụ đều là mua lại hoặc được người hàng xóm buôn đồng nát cho thêm. Vợ ông tâm kể rằng trước đây, tấm bảng sửa xe miễn phí của ông Tâm khá sơ sài, lại đã cũ nên đi xa khó nhìn thấy chữ. Gần đây, ông Tâm mới xin được một ít sơn đen, làm mới tấm bảng để các cháu nhìn rõ hơn.

Ông Tâm được cả xóm 4, thôn Cầu Cảng yêu quý. Ai cũng khen vợ chồng ông là người nhân đức, luôn giúp đỡ mọi người. Thấy ông thương con trẻ, hàng xóm giúp ông thêm pha dụng cụ. Đến con trẻ trong xóm, đứa nào cũng quý ông Tâm, coi ông như ông bụt.

Ông Tâm cặm cụi sửa xe giúp cháu Tuấn, cháu là khách hàng thường xuyên của ông

Ông Tâm cặm cụi sửa xe giúp cháu Tuấn, cháu là "khách hàng" thường xuyên của ông

Nhiều hôm buổi trưa ông Tâm đang ăn cơm, có tiếng trẻ gọi lanh lảnh ngoài cửa, ông vội buông bát cơm chạy ra. Biết ngay trẻ gọi sửa xe đi học, ông xách sẵn bộ đồ nghề, sửa xong cho cháu lên đường mới vào ăn cho xong bữa.

Cũng có lần xe hỏng nặng, ông Tâm chịu không sửa được, đành bảo cháu nhỏ ngồi lên xe ông chở đến trường, chiều nhờ bạn đèo về nhà ông lấy xe. Sắp nhỏ tin tưởng ông, nghe lời lắm. Chẳng biết từ khi nào, nhà ông Tâm thành địa chỉ sửa xe tin cậy, uy tín của toàn thể học sinh trường tiểu học gần đó.

Ngoài việc sửa xe giúp trẻ nhỏ, ông Tâm còn giúp nhân viên đường sắt phân luồng giao thông mỗi khi có tàu chạy qua đường ray ngay gần nhà mình. “Ngày nào cũng có đám trẻ đi học, người dân đi làm qua đường sắt mà chỉ có một anh nhân viên phân luồng không xuể. Nhất là đám trẻ nghịch ngợm cứ chực lao qua đường ray nên tôi phải ra ngăn lại. Nguy hiểm lắm”.

Ông Tâm tình nguyện làm công ích cho xã hội chỉ đơn giản vì muốn giúp đỡ mọi người, không mong được đáp lại điều gì. “Người như ông Tâm, xã hội này cần lắm”, anh Sơn, hàng xóm của ông Tâm chia sẻ.

Mai Châm